(GLO)- Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, Gia Lai ưu tiên tập trung thu hút các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh còn dư địa lớn. Đặc biệt, tỉnh lấy chất lượng, công nghệ cao bảo vệ môi trường là tiêu chí cơ bản để lựa chọn.
Năm 2021, Gia Lai đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng với GRDP đạt 9,71%, dẫn đầu khu vực Tây Nguyên, cao hơn tăng trưởng chung của cả nước 2,58%. Để có được kết quả ấn tượng đó một phần nhờ vào công tác thu hút đầu tư. Trong năm đã có 226 dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực giàu tiềm năng, thế mạnh như: nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi công nghệ cao, năng lượng tái tạo, thương mại dịch vụ. Đây là nền tảng vững chắc để tiếp tục đón nhận “làn sóng” đầu tư mới trong giai đoạn tiếp theo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đưa ra 4 chương trình trọng tâm. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu kêu gọi đầu tư đạt trên 40 ngàn tỷ đồng/năm, gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu này được thực hiện trên các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.
Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của Công ty cổ phần nông nghiệp Navifarm tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) có quy mô 14,75 ha. Ảnh: Minh Nguyễn |
Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030 với quan điểm: thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu trở thành vùng động lực của Tây Nguyên, có vị thế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu trở thành vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, đa dạng cho tiêu dùng và xuất khẩu; gắn sản xuất với chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng Gia Lai trở thành vùng sản xuất năng lượng sạch của khu vực và cả nước, khai thác các lợi thế, tiềm năng về phát triển du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Tây Nguyên.
Nghị quyết xác định mục tiêu: các dự án đầu tư vào tỉnh phải được chọn lọc theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí cơ bản, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh còn dư địa lớn như: hạ tầng các khu-cụm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống cây trồng, trồng rừng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, hạ tầng logistics, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, các khu đô thị mới, hiện đại...
Đến năm 2025, đối với nông nghiệp, tỉnh sẽ thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 1.500 ha, dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao quy mô khoảng 500 ha trở lên, hình thành 2-3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 dự án khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 328 ha với tổng vốn đầu tư 10-15 ngàn tỷ đồng; phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 chiếm 15-20%; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 350 triệu đồng/năm.
Về công nghiệp chế biến, phấn đấu thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án về lĩnh vực: logistics, chế biến đường, thức ăn chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông-lâm nghiệp, thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, phân bón, chế biến gỗ, than hoạt tính, chế biến dược liệu... với tổng vốn đầu tư trên 8,7 ngàn tỷ đồng, đảm bảo giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 4-5 lần so với giai đoạn 2016-2020. Về công nghiệp năng lượng tái tạo, tỉnh phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động mới 3.000-3.500 MW với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 156 ngàn tỷ đồng. Du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ cùng phát triển; phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,7 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 18,6%. Phấn đấu thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án gồm: khu đô thị mới, các tổ hợp nghỉ dưỡng, dịch vụ, mua sắm, chữa bệnh, sinh thái, lịch sử văn hóa, tâm linh, nông nghiệp, thể thao... với tổng vốn đầu tư trên 18 ngàn tỷ đồng.
Đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu trở thành trung tâm chuyên sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; hình thành lực lượng sản xuất nông nghiệp hiện đại; áp dụng công nghệ tiên tiến ở mức cao trong sản xuất, chế biến, thương mại và xử lý môi trường; phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông-lâm sản của Tây Nguyên và 13 tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 50%. Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh có tính chuyên nghiệp cao, hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm đặc sắc, thể hiện văn hóa dân tộc.
Nói về các giải pháp thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Sở sẽ rà soát các danh mục kêu gọi đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, công khai minh bạch các thủ tục. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả cho công tác thu hút đầu tư. Ngoài ra, tỉnh sẽ cố gắng đa dạng hóa hình thức thu hút đầu tư; góp ý để xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các lĩnh vực mà tỉnh đang có nhu cầu phát triển để nâng cao hiệu quả, thực hiện tốt cam kết, ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau. Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn gắn với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội”.
HÀ DUY