(GLO)- Ngày 8-11, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định số 777/QĐ-UBND về ban hành phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Phương án được xây dựng nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu. Kịp thời sơ tán, di dời dân ở khu vực xung yếu có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương đồng thời đảm bảo các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 trong.
Theo đó, các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”; hoàn thành việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống người dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai đáp ứng các yêu cầu về phòng-chống dịch Covid 19. Bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội. Bảo đảm an toàn cho hệ thống công trình phòng-chống thiên tai, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, các hồ gần nơi khu dân cư đông đúc hoặc gần trung tâm kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng quan trọng ở hạ du công trình thủy lợi. Đảm bảo giao thông được thông suốt trong mọi tình huống; hoàn thành hệ thống thông tin liên lạc từ cấp tỉnh đến cấp xã. Người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn cảnh báo của chính quyền, của cơ quan chức năng; đồng thời nâng cao ý thức chủ động, tự giác tham gia cùng chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác phòng-chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Do ảnh hưởng của bão số 8 (ngày 16-10), nước lũ chảy mạnh qua cầu tràn làng Ngol (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ). Ảnh người dân cung cấp |
Phương châm của công tác ứng phó là đảm bảo an toàn về người và tài sản, chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thấp nhất mọi rủi ro. Bảo vệ các công trình quan trọng về an ninh quốc gia, phòng-chống thiên tai, công trình trọng điểm, đảm bảo các công trình giao thông, thông tin liên lạc hoạt động thông suốt, nhất là trong quá trình xử lý, ứng phó với rủi ro. Phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh với các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong chỉ đạo, chỉ huy. Huy động nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm cần thiết; thống kê, đánh giá thiệt hại; bảo vệ môi trường, phục hồi sản xuất; hỗ trợ để khắc phục hậu quả, ổn định đời sống Nhân dân sau thiên tai theo đúng quy định của Nhà nước.
Từ đó, UBND tỉnh đề ra các biện pháp phòng-chống, ứng phó với các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro. Trong đó, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm chỉ huy, phối hợp ứng phó theo cấp độ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão và siêu bão; mưa lớn, lũ, ngập lụt; nắng nóng, hạn hán; giông, lốc, sét, mưa đá; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún do mưa lũ hoặc dòng chảy; ứng phó với sự cố vỡ hồ, đập. Đồng thời có phương án sẵn sàng huy động dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân; ứng phó thiên tai tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện.
UBND tỉnh cũng phân công trách nhiệm ứng phó thiên tai theo từng cấp độ cho Trưởng Ban chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ cấp xã đến tỉnh cũng như giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành trong thực hiện phương án trên.
KIỀU PHAN