120 chiến sĩ “nhí” tham gia chương trình “Học kỳ trong quân đội” năm 2018 đã có một lễ xuất quân rộn ràng và ấn tượng. Em nào cũng háo hức, mong muốn được trải nghiệm môi trường quân ngũ và có thêm nhiều kỹ năng bổ ích.
Sáng sớm 20-6, mặc dù trời khá lạnh và mưa nặng hạt nhưng tại Trung tâm Hoạt động Thanh niên tỉnh, không khí lại rất nhộn nhịp bởi sự có mặt của 120 chiến sĩ “nhí” trong độ tuổi từ 12 đến 17 tham gia lễ xuất quân Học kỳ trong quân đội với chủ đề “Tôi là chiến sĩ” do Tỉnh Đoàn và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp tổ chức. Các chiến sĩ “nhí” mang trên mình bộ quân phục lính, vai mang ba lô đựng những vật dụng phục vụ cuộc sống tự lập trong 10 ngày quân ngũ.
Các chiến sĩ nhí lên xe đến địa điểm huấn luyện. Ảnh: N.T |
Tham gia chương trình năm nay có 120 em đến từ 11 huyện, thị xã, thành phố, được chia làm 8 tiểu đội. Ngay trong buổi sáng làm lễ xuất quân, các em đã nhanh chóng làm quen và biết tên từng thành viên của tiểu đội mình. Là chiến sĩ “nhí” người dân tộc thiểu số duy nhất tham gia chương trình, em Rơ Lan Huyền Trân (dân tộc Jrai, học lớp 7, Trường THCS Quang Trung, huyện Đức Cơ) vui vẻ cho biết: “Đây là lần đầu tiên em xa nhà lâu đến thế, bố mẹ em cũng khá lo lắng nên đã chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết cho em. Em rất vui khi được tham gia chương trình này và sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt khóa huấn luyện, nếu có khó khăn gì em sẽ nhờ các anh chị trong tiểu đội giúp đỡ”.
Trái với sự háo hức của các chiến sĩ, các bậc phụ huynh lại tỏ ra lo lắng trước chuyến xa nhà đầu tiên của con. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi đây là lần đầu tiên các “cậu ấm, cô chiêu” rời khỏi sự bao bọc của gia đình. Chị Nguyễn Hồng Hạnh-phụ huynh chiến sĩ Đoàn Vĩnh Hưng (lớp 9, Trường THCS Tôn Đức Thắng, phường Đống Đa, TP. Pleiku) cho biết: “Hưng là con trai út nên được cưng chiều từ nhỏ. Biết chương trình này, tôi liền đăng ký cho cháu tham gia. Tuy có chút lo lắng nhưng tôi cũng muốn tạo cơ hội cho cháu rèn luyện thêm kỹ năng sống và tính tự lập”.
Có trường hợp, nhiều thành viên trong gia đình cùng đến lễ xuất quân để tiễn các chiến sĩ “nhí” đến đơn vị. Như chiến sĩ Nguyễn Khánh Linh (lớp 7, Trường THCS Phạm Hồng Thái, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) được bà nội, mẹ và anh trai đến tiễn. Bà Phạm Thị Lan (78 tuổi)-bà nội của Khánh Linh-chia sẻ: “Tôi ủng hộ cháu tham gia chương trình trải nghiệm bổ ích này. Linh được ông bà, bố mẹ nuông chiều nên ít làm việc nhà. Trước ngày “nhập ngũ”, mẹ cháu đã chuẩn bị đầy đủ vật dụng sinh hoạt cho cháu. Hy vọng cháu sẽ nhanh chóng vượt qua sự bỡ ngỡ ban đầu để nhanh chóng hòa nhập với các hoạt động chung”.
Dù lo lắng nhưng các bậc phụ huynh vẫn kỳ vọng con mình trưởng thành hơn với những lịch trình cụ thể và phong phú mà Ban tổ chức đã đề ra. Theo đó, trong 10 ngày, các chiến sĩ “nhí” sẽ được tham quan Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, được huấn luyện điều lệnh quản lý bộ đội, học gấp chăn màn, tập 16 động tác võ tay không, tham gia tìm hiểu vũ khí, huấn luyện ngoài thao trường, tăng gia sản xuất… Bên cạnh đó, các chiến sĩ “nhí” còn tham gia sinh hoạt chuyên đề kỹ năng giải quyết xung đột; các chủ đề: “Thích nghi”, “Tôi luyện”, “Vượt qua chính mình”, “Nỗ lực”, “Thử thách”, “Ngày kỹ năng”, “Trao nhau kỷ niệm”... Là điều phối viên đã 4 năm tham gia hướng dẫn tại chương trình “Học kỳ trong quân đội”, anh Trần Văn Hiếu có khá nhiều kinh nghiệm hỗ trợ, huấn luyện các chiến sĩ “nhí”. Anh Hiếu cho biết: “Những năm trước, nhờ những ngày sống tự lập và trải nghiệm, các chiến sĩ đều trưởng thành, mạnh dạn hơn. Mong rằng, với những bài học thiết thực, sinh động, các em sẽ có những chuyển biến rõ rệt, biết cách sống hòa nhập và có một mùa hè bổ ích”.
Chị Hà Thị Giang Thảo-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Trưởng ban tổ chức chương trình “Học kỳ trong quân đội” năm 2018: “Nếu như năm 2017 chương trình có 73 chiến sĩ “nhí” tham gia, thì năm 2018 có đến 120 chiến sĩ đăng ký, cho thấy hiệu ứng tích cực mà chương trình mang lại. Nội dung huấn luyện và trải nghiệm tại môi trường quân ngũ đã được lên kế hoạch chi tiết sao cho phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em. Thông qua chương trình ý nghĩa này, Ban tổ chức mong muốn các chiến sĩ “nhí” được trang bị những kiến thức về quốc phòng-an ninh, tính kỷ luật, tác phong nhanh nhẹn, tính tự lập để vượt qua khó khăn thử thách, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bản thân trong học tập cũng như trong cuộc sống sau này”. |
Ngọc Thành