Gia Lai cần tạo đột phá vượt bậc trong năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 diễn ra vào sáng 4-1.

Đồng chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ, năm 2023, tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt 14/21 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Trong đó, nhiều chỉ tiêu tăng so với năm 2022 như: tổng diện tích gieo trồng tăng 2,98%; giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,18%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,45%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20,48%; kim ngạch xuất khẩu tăng 3,03%; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 9,28%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 5,6%; doanh thu vận tải tăng 12,62%.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch đã tạo được dấu ấn với nhiều hoạt động, thu hút trên 1,15 triệu lượt khách đến tỉnh tham quan, trải nghiệm (tăng 19,8% so với năm 2022, vượt 4,6% so với kế hoạch).

Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường.

Đáng chú ý, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 30-12-2023 đã tạo cơ hội để tỉnh triển khai thuận lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian đến.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, các đại biểu đã tập trung phân tích nguyên nhân không đạt đối với 7 chỉ tiêu chủ yếu và 1 chỉ tiêu thành phần đề ra của năm 2023, gồm: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; GRDP bình quân đầu người; số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; tỷ lệ hộ nghèo và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ chất thải sinh hoạt được thu gom và xử lý ở đô thị.

Về chỉ tiêu thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng thông tin: Tính đến hết ngày 31-12-2023, tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn đạt 5.575,3 tỷ đồng (vượt 2,6% so với dự toán Trung ương giao, bằng 94,3% dự toán HĐND tỉnh giao và giảm 1,9% so với năm 2022).

Một số nguyên nhân chủ yếu khiến kết quả thu ngân sách không đạt là do Luật Đất đai chậm sửa đổi, chưa tháo gỡ khó khăn, xung đột giữa các luật liên quan; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được điều chỉnh kịp thời, chưa gắn liền với các dự án kêu gọi đầu tư, nhất là các dự án có sử dụng đất; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa kịp thời...

Tính đến ngày 31-12-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chỉ đạt 63,9% kế hoạch. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lý giải: Tiến độ giải ngân chậm là bởi cơ chế, chính sách còn mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất; vướng mắc trong phân cấp, phân quyền… dẫn đến mất nhiều thời gian trong công tác chuẩn bị dự án.

Thêm vào đó, một số dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì vướng quy hoạch, địa điểm. Nhiều dự án cuối năm mới có khối lượng thi công để giải ngân hoặc vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Việc hụt thu nguồn tiền sử dụng đất, cho thuê đất năm 2022 và 2023 cũng làm cho nhiều công trình sử dụng nguồn vốn này đã có khối lượng thực hiện nhưng không có nguồn thanh toán.

Liên quan đến tỷ lệ giảm nghèo và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo không đạt so với Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên cho rằng, nguyên nhân khách quan là do các quy định, hướng dẫn của Trung ương về các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn chậm, chồng chéo dẫn đến tiến độ triển khai không đảm bảo, chưa phát huy được hiệu quả.

Ngoài ra, trong năm, tỉnh có hộ nghèo phát sinh dẫn đến số lượng hộ thoát nghèo chưa đảm bảo kế hoạch.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND các địa phương cũng đề cập những khó khăn cần được sớm tháo gỡ trên một số lĩnh vực: nông-lâm nghiệp, công thương, tài nguyên và môi trường…

Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo nêu thực trạng: Hiện nay, người dân kiến nghị về đất đai, nhất là về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất nhiều; phần lớn trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Các kiến nghị, khiếu nại phát sinh thuộc thẩm quyền của huyện đều đã được cơ bản giải quyết; số còn lại thuộc thẩm quyền của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh.

Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện các điều kiện cần thiết để phân cấp thẩm quyền cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nhằm giải quyết kịp thời cho người dân.

Ngoài ra, một số địa phương cũng kiến nghị tỉnh quan tâm bổ sung, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cho các trung tâm y tế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2024

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: “Năm 2024 là năm then chốt, cần tạo ra được đột phá vượt bậc để bù đắp các chỉ tiêu năm 2023 còn đạt thấp để phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu đặt ra trong năm cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025”.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T

Theo kế hoạch, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2024 phấn đấu đạt từ 5.815 tỷ đồng trở lên. Để đạt được mục tiêu này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng cho rằng cần phải tháo gỡ những vướng mắc của năm 2023, đồng thời tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

“Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các địa phương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2024; đồng thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước; xác định nguồn thu còn tiềm năng, chống thất thu thuế và thực hiện các giải pháp tăng thu từ nguồn sử dụng đất phục vụ giải ngân các dự án đầu tư công”-Giám đốc Sở Tài chính cho hay.

Trả lời đề xuất, kiến nghị của các địa phương liên quan đến nhân sự và tiến độ giải quyết hồ sơ của các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Quốc Khánh cho biết: “Khối lượng hồ sơ quá lớn trong khi đội ngũ làm việc còn thiếu đã dẫn đến tiến độ giải quyết chậm. Sở cũng đã có kế hoạch và chuẩn bị bổ sung nhân lực cho tất cả 17 chi nhánh cấp huyện.

Về phân cấp thẩm quyền cho chi nhánh, Sở đã xin ý kiến UBND tỉnh để đảm bảo điều kiện về đội ngũ, thống nhất quy trình thực hiện trong toàn tỉnh”.

Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh… cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình phụ trách.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc thu tiền sử dụng đất năm 2024; thanh lý cây cao su để triển khai dự án khu công nghiệp; xã hội hóa các dự án ở lĩnh vực văn hóa-xã hội; đồng bộ quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tỉnh vừa được Chính phủ phê duyệt; thúc đẩy giao thương ở Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; kiện toàn bộ máy tổ chức của ngành Y tế, phân bổ giáo viên của ngành Giáo dục…

Riêng TP. Pleiku cần sớm phối hợp với Sở Xây dựng hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố; các quy hoạch phân khu, nhất là tại các địa điểm có các dự án đầu tư; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường tránh Đông, phát triển kinh tế đêm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; chủ động khắc phục những hạn chế, khó khăn và triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2024.

Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu UBND tỉnh tổ chức công bố và xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham mưu tổ chức hội nghị tổng kết công tác giải ngân xây dựng cơ bản năm 2023 trước ngày 5-2.

Sở Giao thông-Vận tải tham mưu UBND tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền triển khai các bước tiếp theo để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19) đảm bảo hoàn thành trước ngày 30-6-2024.

Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương khẩn trương rà soát các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị-nông thôn và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để tiếp tục sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy hoạch tỉnh.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; đẩy mạnh các giải pháp thu ngân sách; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ người dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2024 lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới; giảm thiểu tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí; thực hiện tốt công tác tuyển gọi công dân nhập ngũ năm 2024…

“Tôi đề nghị các sở, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt ngay từ đầu năm các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 bằng những chương trình, kế hoạch, hành động cụ thể, có tính khả thi cao, đánh giá kết quả thực hiện theo từng tháng; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được giao”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tiến hành thảo luận tổ. Các đại biểu đã chia thành 5 tổ, tập trung phân tích, thảo luận những những tồn tại, hạn chế nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.