Gặp cậu bé "Tài năng tiếng Anh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 4-2014, tại cuộc thi Tài năng tiếng Anh toàn quốc (Olympiad of Talent in English-OTE) khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ nhất tổ chức tại TP. Quy Nhơn, Gia Lai có 3 học sinh đại diện cho 3 khối lớp đạt giải. Trong đó, em Hồ Diên Minh Huy-học sinh lớp 53 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn-TP. Pleiku đã xuất sắc giành giải nhất khối lớp 5.  

“My name is Hồ Diên Minh Huy”

“Hello everybody! My name is Hồ Diên Minh Huy. I’m 10 years old. I’m very glad to take part in this competition” (Xin chào tất cả mọi người! Tên tôi là Hồ Diên Minh Huy. Tôi 10 tuổi. Tôi rất vui khi được tham gia cuộc thi này)- Cách phát âm cùng ngữ điệu khá chuẩn ở một cậu học trò chỉ mới học tiếng Anh trong chương trình phổ thông có 2 năm đã khiến không ít người ngạc nhiên và thán phục. Cùng đồng hành với các học sinh tỉnh nhà tham gia cuộc thi, cô Nguyễn Thị Ngọc Uyên-chuyên viên Sở Giáo dục-Đào tạo, đã phải thốt lên: “Các em đúng là những tài năng tiếng Anh. Xem các em thi mới biết học sinh mình giỏi thật!”.

 

Hồ Diên Minh Huy trong một tiết học Anh văn ở trường. Ảnh: Phương Duyên
Hồ Diên Minh Huy trong một tiết học Anh văn ở trường. Ảnh: Phương Duyên

Thoạt đầu, cậu bé Hồ Diên Minh Huy nói rất ít về thành tích của mình, bởi em băn khoăn một điều: “Nói về mình như vậy sợ là không khiêm tốn”. Tuy nhiên, khi đã chuyện trò thân mật, Minh Huy vui vẻ cho biết em phải trải qua 4 phần thi trong cuộc thi OTE. Ở phần “Khởi động”, thí sinh tự giới thiệu về bản thân, gia đình, trường học và địa phương. Phần thi “Vào cuộc” có yêu cầu nhìn hình đoán chủ đề. Phần “Trải nghiệm” với nội dung nghe và chọn đúng tình huống. Ở phần quan trọng nhất, có thang điểm cao nhất là phần thi mang tên “Tự khẳng định mình”, theo đó thí sinh phải bốc thăm chủ đề, chuẩn bị trong 10 phút và thuyết trình (tối đa 5 phút) về chủ đề đã chọn, sau đó trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo. Phần thi này nhằm “thử thách” thí sinh ở 2 kỹ năng nghe-nói, vốn là điểm yếu của học sinh phổ thông. Huy bốc thăm trúng chủ đề về con vật yêu thích. Và bài thuyết trình vừa lưu loát vừa rất hồn nhiên về loài mèo đã giúp Minh Huy vượt qua được nhiều bạn đồng lứa để giành giải nhất của cuộc thi.

Sở thích của Huy cũng giống như những đứa trẻ cùng tuổi: Thích xem kênh phim hoạt hình Cartoon Network, kênh Discovery… Nhưng với Huy, đây không chỉ là những kênh giải trí đơn thuần mà qua đó em còn học được cách phát âm chuẩn những từ tiếng Anh trong phạm vi mà một đứa trẻ thường quan tâm. Ngoài ra, cậu bé này còn có nhiều sở thích giúp rèn tư duy rất tốt như vẽ tranh, chơi cờ vua, xếp hình. Ngoài 2 môn học yêu thích nhất là Mỹ thuật và tiếng Anh, Minh Huy cũng rất thích môn Lịch sử. Nhiều tên đường luôn gợi cho Huy sự tò mò về thân thế danh nhân. Sự ham học hỏi ấy là điều khiến Huy rất nhanh nhạy về thông tin và khá đĩnh đạc so với tuổi lên 10 của mình. Và thật tình cờ, trong câu chuyện bên lề về thời sự biển Đông, Huy đã khiến chúng tôi hết sức bất ngờ khi nói vanh vách chuyện “Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam”.

Nhận xét về người bạn thân cùng lớp, em Trảo Nhật Hằng thán phục nói: “Bạn Huy học giỏi, hay giúp đỡ bạn bè, có bài nào khó thì Huy hay chỉ cho các bạn. Em hay nhờ bạn giúp thêm các môn: Tiếng Anh, Văn, Tiếng Việt… Bạn Huy cũng là người chơi cờ vua giỏi nhất lớp”.

Nói về mơ ước của mình về nghề nghiệp tương lai, Minh Huy bày tỏ bằng một nụ cười thật sáng: “Con mơ ước sau này sẽ trở thành kiến trúc sư vì con thích vẽ nhà cửa, thích thiết kế nội thất”.

 

Minh Huy (trái) cùng gia đình. Ảnh: Phương Duyên
Minh Huy (trái) cùng gia đình. Ảnh: Phương Duyên

Nền tảng gia đình

Thành tích của Minh Huy tại cuộc thi OTE do Bộ Giáo dục-Đào tạo lần đầu tiên tổ chức là nhờ sự đầu tư và quan tâm rất sâu sát của các thầy-cô giáo Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Bên cạnh đó, gia đình cũng đóng vai trò nền tảng hết sức quan trọng. Anh Hồ Diên Tâm và chị Phạm Thị Hoài Phương-ba mẹ của Minh Huy hiện đều đang công tác tại VNPT Gia Lai. Tuy bận rộn nhưng anh chị luôn dành thời gian động viên và đồng hành cùng các con trong học tập. Có vốn tiếng Anh khá, chị Phương trở thành một gia sư tuyệt vời cho con. Khi có thời gian rảnh, chị giúp con luyện phát âm, ôn lại từ vựng và bài học ở trường…

Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thật ra, chính với cách giáo dục không “chạy theo thành tích”, anh chị đã giúp con đạt được những kết quả cao nhất. “Ngày trước, lúc cháu học lớp 1, lớp 2, mình cũng luôn mong muốn mở vở ra là thấy điểm 9, điểm 10 của con. Thấy điểm không cao thì lại buồn. Nhưng sau này tôi dần dần suy nghĩ khác đi. Theo quan điểm của tôi, mỗi cháu có một năng khiếu, sở thích riêng. Cha mẹ chỉ nên đóng vai trò định hướng theo khả năng tốt nhất cho con chứ không nên bắt con phải theo kỳ vọng của cha mẹ. Nếu mình hân hoan với những gì con đạt được thì con sẽ không bị áp lực, sẽ dễ dàng chia sẻ với mình hơn.

Nghĩ vậy nên từ đó về sau tôi đón nhận điểm 5, 6, 7, 8 của con với cảm xúc như nhau”-chị Phương chia sẻ những quan điểm rất hiện đại mà không phải phụ huynh nào cũng nắm bắt được. Chị luôn nhắc con một điều rằng: Điểm số không quan trọng, quan trọng là cần xác định học để làm gì?. “Nếu con học tiếng Anh giỏi mà không giao tiếp được thì có được điểm 10 nhiều đến mấy cũng vậy thôi”-chị Phương kể lại. Khi Minh Huy đi thi Tài năng tiếng Anh, chị Phương cũng luôn sát cánh bên con. Thấy con quá căng thẳng, để giảm áp lực thi cử, chị động viên con cứ xem như đây là cơ hội giao lưu với bạn bè khắp nơi.

Không đặt lên vai con gánh nặng thành tích, không tạo áp lực, giúp con phát triển đúng như năng lực vốn có-đó là vấn đề thật không dễ dàng gì trong một xã hội chuộng thành tích và bằng cấp. Và còn bởi điều này đòi hỏi sự hiểu biết và chia sẻ rất lớn của những người làm cha làm mẹ. Mới thấy, một đứa trẻ có tố chất thôi thì vẫn chưa đủ…

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm