Gánh nặng Bột giấy Phương Nam đè lên nợ công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoản tiền 97 triệu USD Chính phủ ứng ra trả nợ thay cho Bột giấy Phương Nam đến nay chưa hoàn được đồng nào, trong khi áp lực trả nợ rất lớn.
Theo báo cáo đánh giá tình hình nợ công năm 2018 của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây, trong năm 2018, Quỹ Tích lũy trả nợ phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD), nâng tổng trị giá ứng trả lên 82,6 triệu EUR (tương đương khoảng 97 triệu USD).
Báo cáo cho biết, đến hết năm 2018, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ Tích lũy trả nợ.
Tại buổi họp báo về tình hình nợ công năm 2018 của Bộ Tài chính diễn ra vào ngày 7/6, Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết thêm, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trong thời gian qua gặp khó khăn trong trả nợ. Do đó, Chính phủ với trách nhiệm bảo lãnh của mình đã đứng ra tạm ứng cho nhà máy để trả nợ cho nước ngoài.
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang nợ như chúa Chổm. Ảnh: Báo Đầu tư
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang nợ như chúa Chổm. Ảnh: Báo Đầu tư
Cũng theo ông Hiển, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương chịu trách nhiệm xử lý và hiện nay đang làm thủ tục phá sản bán đấu giá để thu hồi. Khoản tiền này nhằm hoàn lại một phần tiền tạm ứng của Chính phủ cho công ty để trả nợ, tuy nhiên số liệu chi tiết chưa được công bố.
Tính đến nay, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã đấu giá 3 lần nhưng vẫn không nhà đầu tư nào tỏ ý quan tâm.
Chính các dự án như Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã và đang trở thành gánh nặng đè lên nợ công của Việt Nam.
Tại báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Tài chính đánh giá tình hình nợ công đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, các mức dư nợ đều thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, tỷ lệ nợ công Việt Nam đã giảm xuống dưới 60% GDP, ở mức 58,4% GDP và cũng là mức thấp nhất ba năm qua. Theo tính toán, với quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng. Bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh hơn 32 triệu đồng nợ công tới hết năm 2018.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, chưa thể nói nợ công đã thực sự an toàn, bền vững khi mới bố trí trả lãi, chưa trả được gốc. Khi đầu vào là tiền vay đã quản lý chặt chẽ, song đầu ra là các dự án đầu tư, xây dựng từ ngân sách, trái phiếu, ODA vẫn còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả.
Tại phiên họp tổ của Quốc hội hôm 22/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho hay, dù nợ công năm 2018 cách xa mức trần 65% so với cuối năm 2015 nhưng Chính phủ chưa vay nợ thêm để đầu tư phát triển vì áp lực trả nợ vẫn còn rất lớn.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tốc độ tăng nợ công số tuyệt đối đang giảm đi đáng kể vì Chính phủ siết chặt bảo lãnh vay nợ. Cả năm 2018, Chính phủ chỉ bảo lãnh duy nhất cho 1 dự án nhiệt diện, còn năm 2019 này không bảo lãnh cho bất kỳ một dự án nào.
Trước đây, trong cơ cấu nợ công, nợ nước ngoài chiếm 60% còn nợ trong nước là 40% thì nay ngược lại, nợ trong nước chiếm tới 60%, nợ nước ngoài chỉ chiếm 40%, góp phần đỡ sức ép về chênh lệnh tỷ giá.
Cùng với đó, bình quân thời gian trả nợ nước ngoài là 7 năm và lãi suất thấp, so với những năm trước chỉ 2, 3 năm và chịu lãi suất cao. Trong năm 2018, các khoản nợ nước ngoài còn có thời gian trả nợ lên tới 15 năm.
“Nợ công giảm nhưng ta không huy động thêm vì chi phí trả nợ quyết định. Năm 2015 chi phí trả nợ cả gốc, lãi là 27,6% thu ngân sách nhưng tới năm 2018, tỷ lệ này được kéo giảm còn 18,3%. Dưới mức an toàn rồi nhưng áp lực vẫn lớn”, Thủ tướng nói. "(...) Tôi cho rằng tỷ lệ nợ công 58,4% hiện nay vẫn còn cao chứ không thấp đâu”.
Theo Minh Thái (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.