Gắn tăng trưởng với nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến ngày 31-12-2018, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH)-Chi nhánh tỉnh Gia Lai ước đạt 4.199 tỷ đồng (tăng 343 tỷ đồng so với đầu năm), tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là 8,9%, cao hơn chỉ tiêu đề ra. Với kết quả này, Chi nhánh hiện xếp thứ 7 toàn hệ thống về quy mô tín dụng.
Phát huy vai trò “bà đỡ” của hộ nghèo
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hộ nghèo là định hướng chủ đạo, xuyên suốt trong hoạt động của hệ thống Ngân hàng CSXH nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững. Tại Gia Lai, thông qua hệ thống 222 điểm giao dịch xã cùng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ sóng rộng rải từ thành thị đến nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa, cộng với việc đơn giản hóa thủ tục hồ sơ đã tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.
“Tôi vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo qua kênh Hội Phụ nữ được 3 năm rồi. Tôi hài lòng nhất là khâu thủ tục của Ngân hàng CSXH rất đơn giản, nhanh gọn, người dân không phải thế chấp bìa đỏ. Do đó, bà con đều mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển kinh tế”-chị Đinh Thị Khuyên (thôn Tân Lập, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) cho biết.
 Cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh xuống xã Ia Hla tổ chức phiên giao dịch với người dân. Ảnh: Hồng thương
Cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh xuống xã Ia Hla tổ chức phiên giao dịch với người dân. Ảnh: Hồng thương
Hoặc như tại địa bàn huyện Đak Đoa, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành “bà đỡ” cho các hộ nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương từ 11,68% vào cuối năm 2017 xuống còn 9% vào cuối năm 2018. Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm 2018, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện đã quyết định tập trung tăng trưởng tín dụng vào các chương trình dành cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. “Năm nay, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện được phân bổ thêm 20 tỷ đồng, cộng với nguồn thu nợ quay vòng đạt 63,8 tỷ đồng và các nguồn vốn khác, chúng tôi tập trung triển khai các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của bà con với tổng doanh số cho vay là hơn 85 tỷ đồng/2.854 lượt hộ vay. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là cho vay hộ nghèo với doanh số cho vay hơn 22,2 tỷ đồng/627 hộ, cho vay hộ cận nghèo với doanh số cho vay hơn 18,8 tỷ đồng/485 hộ, cho vay hộ mới thoát nghèo với doanh số cho vay hơn 17,3 tỷ đồng/447 hộ”-ông Nguyễn Văn Ngọc-Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đak Đoa-cho biết.
Tăng trưởng gắn liền với chất lượng
Năm 2018, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng 8% cho toàn hệ thống Ngân hàng CSXH Việt Nam. Với con số 8,9% (tương đương mức tăng 343 tỷ đồng so với đầu năm), Ngân hàng CSXH-Chi nhánh tỉnh đã vượt mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Hơn thế, Chi nhánh là đơn vị đứng thứ 7 toàn hệ thống với tổng dư nợ đạt 4.199 tỷ đồng/139.496 hộ dư nợ, bình quân dư nợ khách hàng xấp xỉ 30 triệu đồng/hộ. “Trong những năm qua, Ngân hàng CSXH-Chi nhánh tỉnh là một kênh dẫn vốn tín dụng chính sách rất hiệu quả khi giúp bà con phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập mà tỷ lệ nợ xấu không đáng kể”-ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH-Chi nhánh tỉnh cho biết.
Với quan điểm tăng trưởng phải đi đôi với chất lượng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng CSXH-Chi nhánh tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và địa phương để triển khai các chương trình tín dụng sát với thực tế, gắn với mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, củng cố toàn diện hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn, xử lý nợ rủi ro nhằm từng bước nâng cao chất lượng tín dụng. Nhờ vậy, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm đều sớm đạt và vượt so với năm 2017. Theo đó, doanh số cho vay đạt 1.473 tỷ đồng/50.616 lượt hộ vay (bằng 122,7% so với năm ngoái), tập trung chủ yếu vào các chương trình như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường. Một chỉ tiêu đáng chú ý là doanh số thu nợ đạt tới 1.157 tỷ đồng, bằng 126,4% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ.
Để có được kết quả này, Chi nhánh đã chỉ đạo các Phòng Giao dịch chủ động phân tích nợ đến hạn, nợ quá hạn để có giải pháp đôn đốc thu hồi; chỉ đạo xây dựng phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng đối với xã có nợ quá hạn trên 1%, tổ có nợ quá hạn trên 2%. “Năm nay, chúng tôi chủ động tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, tích cực huy động nguồn vốn địa phương nhằm điều hành kế hoạch tín dụng linh hoạt, tăng cường công tác thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng. Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng năm nay đều tập trung đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng khác, góp phần tích cực vào mục tiêu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,3% của tỉnh nhà, đồng thời đẩy lùi nạn “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn”-ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH-Chi nhánh tỉnh-khẳng định.  
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.