Nhiều người trong chúng ta thỉnh thoảng sẽ bị đau họng. Cơn đau có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi đó, rễ cam thảo là món phù hợp để giảm và ngăn ngừa đau họng.
Một trong những nguyên nhân gây đau họng thường gặp nhất là do virus, vi khuẩn. Đau họng là một trong những triệu chứng thường gặp của cảm lạnh, cảm cúm, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
|
Các hợp chất trong cam thảo có thể giúp giảm và ngăn ngừa đau họng. Ảnh: Shutterstock |
Viêm họng liên cầu khuẩn do vi khuẩn Streptococcus pyogenes cũng gây viêm và rát cổ họng. Tuy nhiên, không cần phải nhiễm virus, vi khuẩn thì mới bị đau họng. Dị ứng, trào ngược a xít, thở bằng miệng quá nhiều cũng dẫn đến khô họng, hút thuốc cũng có thể gây đau họng.
Khi đau họng, cảm giác khó chịu, đau rát có thể xuất hiện ở nhiều nơi dọc theo cổ họng. Nếu amidan ở phần trên của cổ họng bị viêm thì gọi là viêm amidan. Nếu thanh quản bị viêm sưng gọi là viêm thanh quản. Đau rát ở toàn bộ vùng cổ họng gọi là viêm họng hạt. Bác sĩ thường sẽ xác định nguyên nhân gây bệnh để có cách điều trị phù hợp.
Với người bệnh, một số cách chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm và ngăn viêm họng. Các nghiên cứu cho thấy rễ cam thảo có tác dụng giúp giảm đau họng và ngăn ngừa sự phát triển của Streptococcus pyogenes, vi khuẩn gây viêm họng do liên cầu khuẩn.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Journal of Clinical Anesthesia phát hiện rễ cam thảo có khả năng ngăn ngừa viêm họng do đặt nội khí quản khi phẫu thuật. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng việc bôi chất chiết xuất từ rễ cam thảo vào cổ họng sẽ làm giảm kích ứng. Lợi ích này có được là nhờ đặc tính chống viêm của cam thảo.
Khả năng kháng viêm của cam thảo có được là nhờ glycyrrhizin, hợp chất tự nhiên kháng khuẩn và chống ô xy hóa. Người bị đau họng hoàn toàn có thể sử dụng cam thảo. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ cam thảo tương tác với thuốc đang uống, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Trong trường hợp người bệnh đang không dùng loại thuốc nào thì có thể an toàn sử dụng.
Cam thảo được dùng dưới nhiều dạng khác nhau từ viên nhai, dung dịch chiết xuất, viên nang, bột hay dạng khô, theo Medical News Today.
Theo Ngọc Quý (TNO)