Đọt vạn tuế, món ăn tăng... tuổi thọ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cây thiên tuế (giới bình dân kêu là nhãn tuế) vừa nghe đã thấy ngút ngát ngàn năm. Vậy mà người ta chưa đã, còn “nâng cấp” lên gấp mười lần bằng cái tên “vạn tuế”.

 

 
Nguyên liệu làm gỏi đọt vạn tuế - Ảnh: Trần Cao Duyên
Nguyên liệu làm gỏi đọt vạn tuế - Ảnh: Trần Cao Duyên



Cây vạn tuế tượng trưng cho sự vĩnh cửu, thường được trồng ở nơi tôn nghiêm như đình chùa, lăng tẩm vì nó mang phong thái ung dung, uy nghi, trang nghiêm và cổ kính. Với những vương triều, cái tên “vạn tuế” đã nhắm trúng khát vọng trường thọ của vua chúa. Mà vua cũng tham lắm! Vạn tuế chưa đủ, còn bắt quần thần phải hô “vạn vạn tuế” mới chịu. Nhưng nói vậy cũng oan cho vua. Dân thường ai cũng ước mong sống thọ đó chứ.

Nói dây cà dây muống như thế là để “nhấn nhá” đến một niềm tin ẩm thực: Vạn tuế trường thọ là vậy, nếu ăn một bộ phận nào đó của cây chắc hẳn sống cỡ… bách niên! Nhưng ăn cái gì của cây đây? Rễ, thân thì không ăn được rồi. Lá cũng không luôn. Với những cây lâu năm, tán lá nhiều vòng xòe rộng, sum suê thì được cắt bớt bán cho mấy cửa hàng kết hoa.

Chỉ có “tiền thân” của lá - đọt non mới nhú - mới là thứ ăn được. Không chỉ “được” mà còn rất ngon. Ngon đến mức các bà nội trợ “đúc kết” rằng, đọt vạn tuế không bao giờ ế. Hỏi bao lâu cây quý này mới nảy đọt, người chơi vạn tuế lắc đầu, nói lâu lắm lâu lắm, “ổng” ưng thì “ổng” ra chớ ai mà biết được!

Xin được mở ngoặc: Chỉ khi gặp cả rừng vạn tuế đang mùa thay lá ở chốn “thâm sơn cùng cốc” thì thợ rừng mới hái đọt non xuống bán ở đồng bằng. Chứ vạn tuế bonsai dưới xuôi mà ra đọt non, gia chủ mừng như bắt được vàng, sao có thể hái làm thức ăn được. Đêm trăng, gia chủ uống trà bên cây, chặp lát lại đứng dậy ngắm nghía những đọt non mới nhú, coi như “phúc, lộc, thọ” đáo gia. Hàng xóm đến chiêm ngưỡng, chỉ trỏ thì được chứ động vào đọt thì dẫu đang tươi cười gia chủ cũng kéo tay ra vì sợ gãy.

Đọt vạn tuế trước khi bán thường tước sẵn từng sợi và luộc sơ. Mua về (70.000 đồng/kg), chỉ cần trụng lại (chần nước sôi) hoặc rửa bằng nước ấm, để thật nguội, thật ráo trước khi làm món. Nhặt rau, làm nước mắm chua ngọt và rang một nắm đậu phộng nữa là xong khâu chuẩn bị phụ gia.


 

 Đọt vạn tuế
Đọt vạn tuế



Nhớ, không phải rau nào cũng hợp với đọt vạn tuế đâu nhé. “Bí quyết” là chỉ rau thơm, húng, quế, cùng một ít ngò thôi. Các loại rau khác lẫn vào, vạn tuế không “hợp tác” khiến cái ngon giảm hẳn. Trộn nhẹ tay và thật đều đọt vạn tuế với phụ gia. Kiếm cái bánh tráng nướng và một ít “nước cất từ gạo” nữa là xoa tay vào tiệc.

Đi chợ những ngày cuối tháng chạp, dù trong giỏ nặng đầy, các bà nội trợ vẫn hay nghiêng ngó tới cái góc bán đọt vạn tuế. Mấy ngày tết, khi thịt cá, các loại đồ ăn công nghiệp dễ khiến cái lưỡi “xơ cứng” thì gỏi đọt vạn tuế là một giải pháp tuyệt vời. Mỗi đũa gỏi là một “lát cắt” của cái ngon hoàn hảo.

Đọt vạn tuế là hình hài lắng lọc từ tinh hoa của “tình cây và đất” nên non tơ, mơn mởn, thuần khiết. Nhựa cây dâng lên nuôi những mầm mới nhú nên đọt vạn tuế mềm như sương khuya, thơm như gió mới. Cọng đọt vạn tuế hơi xốp nên có chút giòn giòn, vị ngọt thanh, thơm dịu. Gặp hạt đậu phộng “trốn” trong lá rau, nhai cái “bụp” nghe bất ngờ thơm phức. Mùi rau thơm thầm mà lan tỏa, chút nước mắm có độ chua ngọt vừa miệng khiến cái ngon của đĩa gỏi vạn tuế là… khỏi phải bàn. Lại còn rôm rốp bánh tráng gạo dậy hương mùa lúa mới nữa chứ, thơm như nắng giêng hai!

Theo Trần Cao Duyên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm