Doanh nghiệp hài lòng khi chọn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhiều ưu đãi, hệ thống thủ tục hành chính công được cải cách đáng kể, tiềm năng dồi dào, phong phú, Gia Lai hiện đang là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn, nhận được sự đánh giá rất cao từ phía các nhà đầu tư.

Doanh nghiệp hài lòng

Mới được phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý III-2017, song Nhà máy Chế biến Rau quả DOVECO Gia Lai hiện đang trong giai đoạn gấp rút thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để hoàn thành trong tháng 8-2018. Nhà máy là một trung tâm chế biến rau quả khép kín, từ việc liên kết phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu, chế biến tinh, chế biến sâu đến phát triển hệ thống bán hàng trong nước và xuất khẩu. Nhà máy nằm trong Cụm công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Đak Djrăng (huyện Mang Yang) có diện tích xấp xỉ 6 ha. Được biết, khi hoàn thành, Nhà máy sẽ lập tức đưa vào hoạt động đồng bộ 4 dây chuyền sản xuất với khoảng 450-500 ngàn tấn nguyên liệu rau quả các loại mỗi năm; tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để nông dân có nguồn thu nhập ổn định, tăng giá trị nông sản, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn Gia Lai.

 

Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH một thành viên Tiến Minh Gia Lai. Ảnh: H.D
Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH một thành viên Tiến Minh Gia Lai. Ảnh: H.D

Ông Nguyễn Thanh Tùng-Giám đốc Ban Quản lý dự án DOVECO Gia Lai (Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao) đánh giá rất cao sự hỗ trợ kịp thời và tích cực của chính quyền các cấp trong việc triển khai dự án. “Trước khi quyết định xây dựng nhà máy, chúng tôi đã khảo sát rất kỹ và nhận thấy Gia Lai là nơi có nguồn nguyên liệu vô cùng dồi dào. Khi đặt vấn đề đầu tư, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan từ việc lập thủ tục đầu tư đến giao mặt bằng sạch. Chúng tôi cam kết sẽ ưu tiên tối đa và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công khi chọn Gia Lai là nơi triển khai dự án này”-ông Tùng cho biết.

Là một trong những doanh nghiệp được phê duyệt và triển khai dự án sau Hội nghị xúc tiếnđđầu tư Gia Lai năm 2016, Công ty TNHH một thành viên Tiến Minh Gia Lai (Khu Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku) bước đầu đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường gạch không nung khi áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất vào sản xuất với công suất 60 triệu viên/năm. Ông Nguyễn Thanh Hồng-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tiến Minh Gia Lai, nhận định: “Chúng tôi thuận lợi ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, bởi Gia Lai đã có những thay đổi mạnh mẽ về thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính. Từ những ngày đầu thành lập doanh nghiệp đến khi chính thức đi vào sản xuất, Công ty nhận được một số chính sách ưu đãi như: nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư, hợp đồng cho thuê đất, được miễn tiền thuê đất 10 năm. Trong quá trình hoạt động, Công ty nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ngành giúp doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ để được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ”.

Môi trường đầu tư thuận lợi

Để thu hút được đầu tư thì môi trường đầu tư phải hấp dẫn, thuận lợi. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã nhiều lần chỉ đạo các sở, ngành phải tập trung cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ hết mức đối với doanh nghiệp, nhất là khâu giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục đầu tư, đồng thời thay đổi thái độ phục vụ, tránh nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng với sự đồng lòng và quyết tâm của cả hệ thống chính quyền từ tỉnh đến các địa phương, môi trường đầu tư tại Gia Lai hiện đang được đánh giá là rất cởi mở và thuận lợi. Ông Phạm Văn Binh-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, cho biết: “Là đơn vị quản lý Khu Công nghiệp Trà Đa, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Khu Công nghiệp Nam Pleiku, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đến tỉnh đầu tư và hoạt động. Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư được tỉnh tổ chức vào tháng 12-2016, Ban đã rà soát, bổ sung quy trình đầu tư, kiện toàn tổ tư vấn, hỗ trợ đầu tư. Nhờ đó, Tổ tư vấn, hỗ trợ đầu tư đã hoạt động tích cực, hiệu quả, hỗ trợ tối đa các thủ tục cho nhà đầu tư từ khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đầu tư đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, thuê đất, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường…”.

Ông Binh cho biết thêm, Ban Quản lý cũng đã xây dựng, ban hành quy trình ISO theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và được công khai minh bạch trên website của đơn vị, tại bộ phận “một cửa” và tại trụ sở làm việc. Quy trình này đã được thực hiện một cách có hệ thống, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí; một số quy trình thủ tục hành chính đã được xem xét rút ngắn thời gian thụ lý, giải quyết so với quy định của pháp luật và kịp thời kiểm soát được những khâu chậm trễ, yếu kém để khắc phục. Mỗi năm, Ban Quản lý tổ chức đối thoại với doanh nghiệp 1-2 lần, qua đó nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để cùng tháo gỡ nên được hầu hết các doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Có thể thấy, những đánh giá cao từ phía doanh nghiệp đối với Gia Lai trong việc cải thiện môi trường đầu tư sẽ là động lực lớn để tỉnh tiếp tục đổi mới và có những chuyển động tích cực để công tác thu hút đầu tư vào tỉnh nhà ngày càng mạnh mẽ.

Danh mục 8 dự án bổ sung kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2021

Ngày 25-5, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ký Quyết định số 238/QĐ-UBND phê duyệt danh mục 8 dự án bổ sung kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2021, gồm: Siêu thị (phường Tây Sơn, thị xã An Khê); Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế Cửa khẩu (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh); Nhà máy Chế biến Súc sản (Khu Công nghiệp Nam Pleiku); Nhà máy Sản xuất, Chế biến sâu các sản phẩm từ mủ cao su (Khu Công nghiệp Nam Pleiku); Nhà máy Chế biến các sản phẩm sau đường (Khu Công nghiệp Nam Pleiku); Làng văn hóa-du lịch Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang); Khu dịch vụ-du lịch, khách sạn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) và Khu Du lịch thác Mơ gắn với lòng hồ thủy điện Sê San (huyện Ia Grai).

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.