Doanh nghiệp điện gió "đứng ngồi không yên" vì bị cắt giảm sản lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một số tỉnh thành vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về những khó khăn trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu. Trong đó, đáng chú ý là những kiến nghị của một số tỉnh thành phía Nam liên quan cơ chế giá điện chuyển tiếp cho năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

Kiến nghị EVN hạn chế tối đa việc cắt giảm công suất 8 nhà máy điện gió

Báo cáo của tỉnh Bạc Liêu cho hay, hiện nay tỉnh này có 2 dự án điện tái tạo là Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (141 MW) và dự án Nhà máy Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu (50 MW).

Tuy nhiên, cả hai dự án đều chậm tiến độ, không hoàn thành trước ngày 31.10.2021 để hưởng giá bán điện theo Quyết định số 39 ngày 10.9.2018 của Thủ tướng Chính phủ (cơ chế giá FIT).

"Do chưa có quy định mới về giá bán điện nên chưa có cơ sở để các chủ đầu tư thương thảo ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)", báo cáo của tỉnh Bạc Liêu nêu rõ.

Ngoài ra, các nhà máy điện gió đã hoàn thành đi vào hoạt động thường bị cắt giảm công suất (theo yêu cầu của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia) gây tổn thất cho các chủ đầu tư và ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của tỉnh;

Các hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất trên 100 kWp phải thực hiện cắt giảm công suất (theo kế hoạch của ngành điện) gây lãng phí trong đầu tư.

Một cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: Nguyễn Long

Một cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: Nguyễn Long

Do vậy, tỉnh này kiến nghị EVN hạn chế tối đa việc cắt giảm công suất 8 nhà máy điện gió đang vận hành thương mại với tổng công suất 469,2 MW và các hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất trên 100 kWp trên địa bàn tỉnh.

Hệ luỵ khi chưa thể đàm phán giá điện tái tạo chuyển tiếp

Với các dự án điện gió, báo cáo của tỉnh Bến Tre thể hiện, theo Quyết định số 21 ngày 7.1.2023, khung giá phát điện áp dụng cho các dự án điện gió chuyển tiếp trên biển được ban hành trong Quyết định này thấp hơn rất nhiều so với giá điện (giá FIT) tại Quyết định số 39 (thấp hơn khoảng 29%).

Điều này đã và đang khiến cho các dự án điện gió chuyển tiếp khó có khả năng thu hồi được vốn đầu tư đã bỏ ra;

Về cơ chế đàm phán giá điện đối với các dự án điện gió chuyển tiếp, theo tỉnh Bến Tre, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN và chủ đầu tư đàm phán về giá phát điện tại Văn bản số 107 ngày 9.1.2023.

Tuy nhiên, EVN vẫn chưa có hướng dẫn chính thức về việc đàm phán giá điện đối với các dự án điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp, nên các chủ đầu tư chưa có căn cứ nộp hồ sơ và tiến hành đàm phán giá điện với EVN;

Các dự án nhà máy điện gió chuyển tiếp dù đã hoàn tất công tác lắp đặt, thử nghiệm, nghiệm thu, hay các dự án đã hoàn thành nhưng chưa được chạy thử nghiệm, nghiệm thu, chưa vận hành thương mại có nguy cơ hỏng hóc các thiết bị, phát sinh chi phí bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa.

Tỉnh Bến Tre cho rằng, trong khi chờ đợi các cơ chế, hướng dẫn từ các cơ quan có thẩm quyền đối với các dự án điện gió chuyển tiếp, hiện nay, hiệu lực thi hành các thỏa thuận đấu nối của các dự án nhà máy điện gió chuyển tiếp với Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã hết hạn.

Song, việc gia hạn thời gian hiệu lực các thỏa thuận đấu nối này chưa thực hiện do EVNSPC đang đợi hướng dẫn từ EVN về việc gia hạn thời gian thỏa thuận đấu nối cho các dự án điện gió và mặt trời chuyển tiếp;

Do vậy, tỉnh này kiến nghị Bộ Công Thương, EVN sớm ban hành quy định hướng dẫn đàm phán giá điện đối với các dự án điện gió chuyển tiếp để làm cơ sở cho các chủ đầu tư có cơ sở đàm phán giá điện và đưa các dự án vào vận hành thương mại sớm nhất có thể, tránh lãng phí tài nguyên năng lượng;

Kiến nghị EVN chấp thuận cho các dự án điện gió đã hoàn tất công tác lắp đặt, thử nghiệm và nghiệm thu theo quy định được phép đưa vào vận hành một khoảng thời gian định kỳ đến trước khi chính thức đưa vào vận hành thương mại để tránh việc hỏng hóc thiết bị nếu không được vận hành trong thời gian dài;

Đồng thời kiến nghị EVN hướng dẫn các chủ đầu tư ký phụ lục thỏa thuận đấu nối về việc gia hạn thời hạn hiệu lực của thỏa thuận đấu nối cho các dự án;

Hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện ký phụ lục thỏa thuận Hệ thống đo đếm điện năng với Công ty Mua bán Điện liên quan đến hệ số tổn thất, phương thức giao nhận điện (nếu có) đối với tuabin gió đã được công nhận COD;

Kiến nghị EVN chấp thuận cho các dự án đã hoàn thành được đấu nối, hòa lưới, thử nghiệm thiết bị trong thời gian chờ đàm phán giá mua bán điện.

Có thể bạn quan tâm

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025. Ảnh: Ngọc Minh

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025

(GLO)- Sáng 27-11, Nhà máy Đường An Khê (tỉnh Gia Lai) triển khai công tác chuẩn bị vào vụ ép mía 2024-2025; phát động ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông đối với Nhà máy Đường An Khê, cá nhân kinh doanh vận tải niên vụ mía 2024-2025.

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.