(GLO)- Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 30-5, Quốc hội tiến hành thảo luật ở tổ đối với các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia thảo luận tổ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hòa Bình, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ảnh: Vũ Mạnh Định |
Các đại biểu Quốc hội trong tổ thể hiện việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục là cần thiết trong giai đoạn hiện nay để nâng cao hơn chất lượng giáo dục từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện tốt quyền tự chủ đối với các cơ sở đào tạo và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục: Nội dung liên quan đến sách giáo khoa: Đại biểu Quốc hội đề nghị cần thiết kế cho phù hợp với vùng miền, hiệu quả về kinh tế; việc xã hội hóa sách giáo khoa và việc định hướng đối với việc lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với chương trình đào tạo. Việc xã hội hóa sách giáo khoa cần xem xét kỹ lưỡng vì dễ dẫn đến tiêu cực trong lựa chọn sách và gây méo mó chương trình đào tạo.
Về việc đãi ngộ đối với giáo viên, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, các đại biểu Quốc hội đã đề cập đến việc miễn học phí cho sinh viên sự phạm và tính hiệu quả của chương trình và đề nghị cân nhắc đối với việc thực hiện chương trình này. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, thực hiện đãi ngộ đối với giáo viên sẽ đạt hiệu quả cao hơn đối với việc thực hiện chương trình miễn học phí đối với sinh viên ngành Sư phạm. Đối vối việc chuẩn hóa giáo viên phải phù hợp với từng cấp, tránh lãng phí trong đào tạo và cần chú trọng đến kỹ năng của giáo viên, đạo đức nhà giáo; cần có tiêu chuẩn, tiêu chí nhà giáo, giáo viên và phân biệt rõ với người làm quản lý nhà nước về giáo dục. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến việc xử lý kỷ luật học sinh và giải quyết mối quan hệ với giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.
Các đại biểu cũng đề nghị miễn học phí cho trẻ mầm non; chuẩn hóa giáo viên, nhân viên mầm non và có chế độ đãi ngộ cao đối với loại hình lao động đặc thù này.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học: Đại biểu Quốc hội đề nghị thống nhất trong công tác quản lý một số loại hình đào tạo, tên gọi của các mô hình đào tạo, cơ sở đào tạo; xem xét hiệu quả đối với mô hình trường đại học vùng.
Về chất lượng đào tạo, một số đại biểu quan tâm đến sản phẩm của giáo dục đại học, cần ưu tiên vấn đề gì? Do vậy cần nghiên cứu lấy ý kiến rộng rãi của người dân và xem xét đối với xu hướng phát triển năng lực của cá nhân. Việc làm cho sinh viên ngành Sư phạm và sinh viên đại học nói chung, đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng của cuộc cách mạng 4.0 để sửa đổi chương trình theo xu thế cho phù hợp và chú trọng đào tạo ngôn ngữ để tiếp cận việc làm, trong đó cần xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Có đại biểu đề nghị cần chuẩn đầu ra cho chất lượng đại học và cần bổ sung quy định vào luật. Hiện nay, xã hội mới đánh giá chất lượng đào tạo đại học ở dạng “đúng”, trong khi chưa có tiêu chí cho công tác này. Đối với việc đào tạo trong các trường đại học không nhất thiết theo hình thức cứng như hiện nay, mà có thể tự chọn mà các môn cần ưu tiên.
Về tự chủ của các trường Đại học, đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét mô hình hoạt động của hội đồng trường còn hình thức, mối quan hệ với hiệu trưởng của trường trong điều hành, hoạt động.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị luật hóa các quy định, nhiều điều luật trong dự thảo giao cho Chính phủ (trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học có đến 20/32 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành) và một số loại hình đào tạo đặc thù như ngành Y tế.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai sẽ có các ý đối với các dự thảo luật tiếp theo trong chương trình xây dựng luật tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.
Vũ Mạnh Định