Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
 

Ảnh internet
Ảnh internet

Mục tiêu là nhằm phát triển vùng TPHCM trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững; có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế; phát triển vùng TPHCM trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á; trung tâm thương mại - tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ; trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao; trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á.

Quy hoạch xác định phát triển không gian vùng theo hướng cân bằng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, TPHCM là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á. Vùng TPHCM là vùng đô thị lớn có tỷ lệ đô thị hóa cao và chất lượng sống tốt, vùng phát triển kinh tế năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; có vai trò vị thế chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế. TPHCM là trung tâm giao thương quốc tế của vùng Nam bộ và cả nước, đầu mối liên kết các vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung bộ. Đây cũng sẽ là trung tâm công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ chất lượng cao tầm quốc gia và khu vực.

Theo quy hoạch, phạm vi vùng TPHCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM và 7 tỉnh lân cận gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404km2. Dự báo đến năm 2030 dân số khoảng 24 - 25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18 - 19 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70% - 75%...

Theo định hướng phát triển không gian vùng, tiểu vùng đô thị trung tâm có vị trí trung tâm của toàn vùng, có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đào tạo, y tế, đầu mối giao thương kết nối với quốc tế. Phát triển không gian về phía Đông và Đông Bắc, xây dựng mô hình đô thị nén và thích ứng với biến đổi khí hậu... Trong đó, TPHCM với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển.

Lâm Nguyên/sggp

Có thể bạn quan tâm