Đi qua đợt dịch bạch hầu ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày đầu tháng 7, Tây Nguyên sáng nắng chiều mưa, giữa lúc tiết trời không chiều lòng người thì bất ngờ dịch bạch hầu bùng lên. Người dân đứng ngồi không yên, ai cũng rỉ tai nhau đi tiêm vaccine dịch vụ để phòng bệnh. Bởi thời điểm ấy, dịch COVID-19 xảy ra, cả nước chưa ghi nhận ca tử vong nào, nhưng bệnh bạch hầu đã khiến cho 3 người ở vùng này rời ‘’cõi tạm’’...
 
Lực lượng y tế tỉnh Đắk Lắk tiến hành tiêm chủng vaccine phòng bạch hầu cho người dân. Ảnh: Bảo Trung
Lực lượng y tế tỉnh Đắk Lắk tiến hành tiêm chủng vaccine phòng bạch hầu cho người dân. Ảnh: Bảo Trung
Lặn lội về ổ dịch đầu tiên
Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông liên tục báo nhiều ca nhiễm mới, một loạt ổ dịch mới mọc lên. Tình hình trong vùng khi ấy ‘’căng như dây đàn’’, ngành Y tế các tỉnh đều sợ dịch lan rộng, khó bề chống đỡ.
Về ổ dịch ở Đắk Nông, thì nên đi Đắk Glong hay Krông Nô - một nữ đồng nghiệp ở báo bạn (thường trú ở Đắk Lắk) băn khoăn. Nên về Krông Nô - tôi trả lời dứt khoát. Hai chị em chạy xe máy lên đường đi về ổ dịch bạch hầu Krông Nô, Đắk Nông. Krông Nô là một huyện nghèo, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, từ trung tâm huyện, chúng tôi đi tiếp quãng đường hơn 70km để về đến tâm dịch ở xã Quảng Phú, vượt đèo, băng qua nhiều vùng ‘’đồng không mông quạnh’’...
Đến ổ dịch, chúng tôi liền được cán bộ y tế địa phương cấp thuốc kháng sinh, kèm theo lời trấn an: ‘’Các bạn cứ uống thuốc sẽ an toàn, về đến nhà đi tiêm phòng cũng được. Nhưng tất cả phải sát khuẩn, mang khẩu trang và đeo găng tay y tế’’. Thuốc này uống vào khiến bụng cứ sôi sùng sục, chân tay rã rời, cơ thể mất nhiều sức lực. Tranh thủ thời gian có hạn, chúng tôi đề xuất xin được vào vùng cách ly, gặp dân. Chính quyền địa phương cảnh báo nên để họ cử người đi cùng vì đồng bào dân tộc ít trao đổi với người lạ, xử lý không khéo rất dễ làm mất lòng bà con.
Đường ở thôn Phú Vinh cheo leo, hiểm trở, những lối mòn đầy sỏi đá. Xe leo dốc đụng phải ổ voi, vấp đá tảng khiến hai chị em suýt ngã nhào. Nơi này hoang vu, nhiều hộ nghèo, dịch dã bùng lên vậy mà bà con vẫn lạc quan, ra đồng cười nói vui vẻ tựa hồ chưa từng có cơ sự nghiêm trọng nào xảy đến...
Lan rộng ra toàn vùng
Liên tiếp những tuần sau, dịch bạch hầu bùng lên ở toàn khu vực Tây Nguyên. Hàng chục ổ dịch lớn, nhỏ xuất hiện khắp 5 tỉnh trong vùng. Ngay sau đó, lực lượng y tế các tỉnh triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kiểm soát tình hình, ngăn không để “dịch chồng dịch” dễ dẫn đến mất kiểm soát cục diện.
Đến trung tuần tháng 7, sau cuộc họp bàn ở Gia Lai, lãnh đạo Bộ Y tế quyết định mở chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn chưa từng có cho toàn người dân trong khu vực. 10 triệu liều vaccine Td sẽ được bộ phân bổ đều cho ngành y tế các địa phương dập dịch, xoá bỏ các vũng trũng và nhất là phải phủ sóng được miễn dịch cộng đồng.
Khi vaccine chưa được phân bố về kịp cho người dân thì đến cuối tháng 7.2020, vùng Tây Nguyên (trừ Lâm Đồng) đã có 4 tỉnh ghi nhận các trường hợp nhiễm bạch hầu với tổng cộng 100 ca nhiễm, 3 người tử vong. Ít tuần sau đó, phía Lâm Đồng cũng ghi nhận ca nhiễm bệnh. Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, vùng Tây Nguyên đối mặt với dịch bệnh truyền nhiễm lan rộng.
“Báo động đỏ” ngay lập tức được phát đi, nhiều Trung tâm y tế tuyến huyện lẫn Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đều quá tải vì số lượng bệnh nhân vào theo dõi, điều trị quá nhiều. Phía Bộ Y tế tiếp tục cử các đoàn công tác vào hỗ trợ cho vùng này. Bệnh viện Bạch Mai, Trung ương Huế... cũng cấp tốc cử các y, bác sĩ có trình độ, chuyên môn vào hỗ trợ chuyên môn cho các khu vực tuyến đầu chống dịch.
Chống đỡ thành công
Việc dập dịch bạch hầu thời điểm mới bùng phát gặp rất nhiều khó khăn, hàng loạt ổ dịch nằm rải rác ở những khu vực vùng sâu, vùng xa. Một bộ phận bà con dân tộc thiểu số còn chủ quan, coi thường việc tiêm chủng mở rộng. Các tỉnh trong vùng đã điều động một lượng lớn nhân lực ngành y về đóng chân ngay ở các ổ dịch để cùng người dân chống dịch. Lãnh đạo Trung tâm y tế huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) từng tâm sự rằng: “Dịch dã xảy đến là điều chẳng ai mong muốn. Việc cần thiết nhất lúc này đó là phải khoanh vùng ổ dịch, phong toả các khu dân cư và cấp đủ lương thực nhu yếu phẩm cho bà con, tuyệt đối không thể để xảy ra tình trạng thiếu đói để rồi dễ gây ra bất ổn xã hội”.
Ngay lập tức, ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk đã đã tái thiết lập ‘’ATM gạo’’ để hỗ trợ cho bà con ở trong các khu cách ly. Trung tâm Y tế địa phương phối hợp với chính quyền sở tại vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ gạo, nhu yếu phẩm cho đồng bào vùng dịch. Mỗi người sẽ được lấy một lượng gạo nhất định, đủ dùng trong thời gian vùng đang sống bị phong tỏa. Thực tế, hàng trăm hộ dân vùng dịch ở huyện M’Đrắk đã nhận được gạo, nhu yếu phẩm ngay giữa lúc khốn khó.
Đắk Nông cũng cấp tốc nhận chuyển giao để lập phòng xét nghiệm nhanh phát hiện bệnh bạch hầu từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Đây là địa phương đầu tiên của vùng Tây Nguyên có cơ sở y tế để phát hiện nhanh bệnh này. Người dân địa phương từ đó cũng an tâm, vững vàng cùng chính quyền chống dịch.
Tại Kon Tum, Gia Lai, ngành y tế các tỉnh cũng chủ động mở các đợt tiêm chủng mở rộng và tiêm vét cho người dân. Song song với việc khoanh vùng dập dịch triệt để, ngành chức năng vừa tiến hành phun tiêu độc khử trùng môi trường nhằm khống chế dịch bệnh lây lan và điều trị dự phòng bằng kháng sinh Erythromycin. Đặc biệt, chính quyền các tỉnh này còn cho tổ chức các hội nghị truyền thông trực tiếp đến tận cơ sở về kiến thức cơ bản để phòng, chống bệnh bạch hầu; phát những nội dung này trên đài truyền thanh xã và loa di động tại các thôn, buôn trên địa bàn huyện, trong đó nhiều thôn, buôn còn được dịch ra tiếng dân tộc để tuyên truyền hiệu quả.
Đến đầu tháng 12.2020, ông Viên Chinh Chiến - Viện Trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên - tự tin cho biết: “Đã cấp 1 triệu liều vaccine Td cho người dân 5 tỉnh Tây Nguyên. Nhiều tháng qua, khu vực xuất hiện rất ít ca nhiễm bệnh. Có thể khẳng định vùng này đã chống dịch thành công, không để lan rộng. Dù lượng vaccine cung cấp cho các địa phương mới chỉ đạt 1/10 kế hoạch đề ra nhưng đơn vị chắc chắn rằng từ nay đến giữa năm 2020 hoặc chậm nhất là đến mùa thu thì người dân Tây Nguyên sẽ được tiêm vaccine phòng bạch hầu”.
Nhưng dù các tỉnh vùng Tây Nguyên đã tạm thời khống chế được dịch bạch hầu thì ngành Y tế các địa phương vẫn không được chủ quan. Bởi, một khi các vùng lõm vẫn chưa được kiểm soát, dập tắt thì nguy cơ người dân nhiễm bệnh vẫn còn rất cao.
BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.