(GLO)- Chuyến đi Tô Châu, miền sông nước Giang Nam (đất Cô Tô xưa), tôi như đứa trẻ ngẩn ngơ nhìn đâu cũng lạ lẫm, cứ lang thang nhìn những hàng phố cổ rêu phong dễ có đến ngàn năm với những cây ngô đồng phủ bóng và bờ liễu rũ lơ thơ bên dòng Đại Vận Hà, rồi mơ màng nhớ đến nàng Tây Thi như còn quanh quất đâu đây.
Cầu Phong Kiều ở Hàn San Tự, Tô Châu. Ảnh: Thanh Phong |
Buổi chiều ấy, khi mải mê nhìn phong cảnh thần tiên của miền xứ lụa đệ nhất Trung Hoa, tôi được đưa đến Hàn San tự trên phố Phong Kiều nơi có hàng dương gầy guộc tỏa bóng. Nhìn thấy bảng hiệu “Phong Kiều lộ”, tôi giật mình mới biết đang được đến nơi mà ngày xưa, cách nay khoảng 1.260 năm, Trương Kế tự là Y Tôn cuối đời Đường đã từng ghé đến và để lại tác phẩm Đường thi bất hủ “Phong Kiều Dạ Bạc” rất quen thuộc với đa số người Việt Nam. Bài thơ tứ tuyệt ấy đã từng được giảng dạy trong chương trình Ngữ năn ở phổ thông nước ta: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/Cô Tô thành ngoại Hàn San tự/Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” (Bản dịch của Tản Đà: “Trăng tà tiếng quạ kêu sương/Lửa chài cây bến, sầu vương giấc hồ/Thuyền ai đậu bến Cô Tô/Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”).
Giờ đầy, đứng bên cầu có hàng phong rợp lá ngả xuống dòng sông, đọc “Phong Kiều Dạ Bạc” bằng chữ Hán khắc bên tường trước cổng Hàn San tự, tôi bỗng thấy mình như được sống lại cái thời Trương Kế đã neo thuyền trên bến sông xưa trong cái đêm trăng tà tĩnh mịch “đối sầu miên” và tiếng chuông chùa Hàn San “đáo khách thuyền”. Nỗi sầu miên của nhà thơ ấy bao thế kỷ nay kẻ hậu sinh vẫn còn nhiều đàm luận chưa ngơi. Nỗi buồn khắc khoải ngàn năm xưa dường như còn vấn vương trên bến Phong Kiều và đâu đó trong thành Cô Tô cổ kính với tiếng chuông Hàn San hàng ngày vẫn ngân lên không dứt. Dấu xưa giờ chỉ còn lại cái bến sông với cây cầu đá hình bán nguyệt, hàng phong và ngôi cổ tự đã được bàn tay con người tu chỉnh. Chỉ có tiếng chuông (đại hồng chung) trong ngôi tháp chùa Hàn San mà ai đó trong nhất thời tò mò đã gióng lên trong chiều, thanh âm của nó như vẫn còn làm cho những chiếc lá phong run rẩy, bến nước Phong Kiều và người lữ khách gợn chút u hoài. Tiếng chuông ấy còn mãi với thời gian và ngôi cổ tự ấy, dù vạn vật có biến thiên thì vẫn mang cái hồn cốt mà cổ thi đã thổi vào.
Dù hôm đó, dạo quanh chùa Hàn San lúc đã chiều tà, tôi cũng cố mua cái vé 5 tệ để được leo lên tháp chuông xưa gióng 3 tiếng chuông-vẫn biết rằng điều ấy là khiếm nhã với chốn linh thiêng-cũng chỉ để xem thanh âm của nó có gợi lại chút gì trong lòng kẻ lữ khách như tôi.
Bùi Quang Vinh