Đền bù tại các dự án điện gió đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, có dư luận về việc xảy ra xung đột giữa người dân và các chủ đầu tư dự án điện gió tại Gia Lai trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì những thông tin trên không đúng với bản chất vụ việc mà công tác thực hiện đền bù luôn đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Theo thông tin phản ánh, Dự án Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 do Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết-Đak Đoa Số Một làm chủ đầu tư đã hoàn thiện các trụ truyền tải điện có hành lang tuyến đi qua gây ảnh hưởng đến đất đai và tài sản trên đất của nhiều hộ dân phường Chi Lăng và xã Ia Kênh (TP. Pleiku). Đến nay, Công ty vẫn chưa bồi thường, hỗ trợ hành lang tuyến cho các hộ dân nhưng vẫn tiến hành thi công.

 Lắp đặt cánh quạt trụ turbine tại Dự án Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: Thảo Nguyên
Lắp đặt cánh quạt trụ turbine tại Dự án Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: Thảo Nguyên


Về vấn đề này, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Từ cuối năm 2020 dự án trên đã có 460/466 hộ và 2 tổ chức đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ; còn 6 hộ dân chưa hợp tác. Ông Nguyễn Quốc Huy-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết-Đak Đoa Số Một-cho biết: “Trong công tác bồi thường, GPMB, Công ty đã công khai mọi vấn đề từ vị trí cho đến mức giá, xác minh giấy tờ chủ hộ và ký nhận bàn giao tiền. Mọi công việc đều có sự tham gia của chính quyền địa phương, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho từng tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, 6 hộ dân còn lại chưa hợp tác vì đòi tiền bồi thường với mức giá cao gấp nhiều lần giá thị trường và vượt gấp hàng chục lần so với các quy định hiện hành. Có hộ đòi bồi thường lên đến 2 tỷ đồng/mét đất mặt đường đối với đất vùng ven thành phố. Bên cạnh đó, những khó khăn có thể kể đến như việc một số đối tượng lôi kéo, kích động các hộ dân để họ không nhận tiền bồi thường rồi đứng ra thương thảo với Công ty, có hộ dân không phải là chủ đất nhưng cố tình mạo nhận, gửi đơn thư tố cáo sai sự thật để tạo dư luận xấu. Đặc biệt, có một số đối tượng tổ chức các nhóm thanh niên tụ tập không cho công nhân của Nhà máy vào thi công trên đất hợp pháp mà Công ty mua. Cùng với đó, một vài đối tượng đã liên tục sử dụng Facebook để livestream chửi bới và xuyên tạc những việc làm của Công ty gây hiểu nhầm trong dư luận”.

Còn tại Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hòa 1 do Công ty cổ phần Điện gió Nhơn Hòa 1, gia đình ông Huỳnh Văn Thông (trú tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đã kiến nghị về việc gia đình ông có diện tích 6.000 m2 tại xã Chư Don (huyện Chư Pưh) chưa được bồi thường nhưng phía doanh nghiệp đã triển khai thi công. Tuy nhiên, qua xác minh, ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Chư Pưh-thông tin: “Thửa đất trên (có hồ sơ địa chính kèm theo) thuộc diện tích đất của 2 anh em ông Kpă Ton và ông Kpă Bruk (trú tại làng Plei Lao, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh). Năm 2015, hai ông đã cho ông Thông khai thác đá trong rẫy, sau đó trả lại mặt bằng để tiếp tục sản xuất. Tại buổi làm việc của các cơ quan chức năng vào ngày 23-8 với hộ ông Kpă Ton và ông Kpă Bruk (có biên bản kèm theo), 2 ông thừa nhận: Vào chiều 16-8, ông Thông có đến đưa cho ông Bruk 5 triệu đồng gồm: 1 triệu đồng tiền khai thác đá, 4 triệu đồng còn lại thống nhất để ông Thông đứng ra làm việc với Công ty điện gió đòi tiền bồi thường đường dây điện đi qua rẫy. Ông Thông hứa nếu đòi được nhiều sẽ cho thêm. Trên cơ sở các hồ sơ, giấy tờ liên quan thì theo quy định của pháp luật, diện tích đất này vẫn là của hộ ông Kpă Ton và ông Kpă Bruk, không liên quan đến gia đình ông Thông”.

Về phía Công ty cổ phần Điện gió Nhơn Hòa 1, ông Nguyễn Đức Thạch-phụ trách Ban Quản lý Dự án-cho biết: “Trong quá trình triển khai việc bồi thường hành lang an toàn lưới điện 33 kV, phía doanh nghiệp được sự giúp đỡ của UBND huyện Chư Pưh trong việc xác định ranh giới đất của các hộ dân theo hồ sơ địa chính do cơ quan quản lý nhà nước đang quản lý, cũng như việc tuyên truyền trong quá trình thỏa thuận hỗ trợ, đền bù về cơ bản đã hoàn thành việc bồi thường hành lang an toàn lưới điện 33 kV. Riêng với những gì ông Huỳnh Văn Thông phản ánh, chúng tôi không hề hay biết. Phía doanh nghiệp và UBND xã Chư Don đã xác định thửa đất trên thuộc diện tích đất hộ ông Kpă Ton và ông Kpă Bruk; ông Kpă Bruk đã đại diện gia đình và cùng chính quyền địa phương xác nhận sở hữu phần đất trên để nhận 16 triệu đồng tiền bồi thường hạn chế sử dụng đất theo biên bản thỏa thuận ngày 5-7-2021. Do vậy, không có việc phía Công ty chưa bồi thường mà đã thi công như phản ánh”.

Trạm biến áp 220kV tại Dự án điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: Thảo Nguyên
Trạm biến áp 220kV tại Dự án Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: Thảo Nguyên


Cũng liên quan đến thông tin về những xung đột của người dân và Công ty điện gió khi chưa đạt thỏa thuận về công tác đền bù đã tự ý đưa máy móc vào đất của người dân để san ủi, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thông tin: “Trong quá trình Công ty điện gió và người dân thực hiện các giao dịch, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện theo các quy định của pháp luật nhằm vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Đến nay, về cơ bản toàn bộ diện tích thực hiện dự án đã được thỏa thuận sang nhượng xong, không có tình trạng khiếu kiện hay đơn thư tố cáo việc tranh chấp gay gắt giữa người dân trên địa bàn và chủ đầu tư. Qua nắm bắt thông tin giá bồi thường tài sản, hoa màu và giá mua bán, sang nhượng đất đai cao hơn nhiều lần so với quy định của Nhà nước và mặt bằng giá tại địa phương. Đa số người dân đồng tình, ủng hộ và hài lòng với thỏa thuận được thống nhất nên không có xảy ra tranh chấp giữa người dân trên địa bàn và chủ đầu tư trong quá trình đền bù. Riêng gia đình ông Nguyễn Đức Tấn (trú tại thị trấn Kông Chro) có diện tích đất đang trồng mía thuộc địa bàn làng Cút Trong, xã Đak Pơ Pho như phản ánh của một số cơ quan báo chí thì qua xác minh hộ ông này đã được chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường từ ngày 14-9-2021”.
 

Gia Lai có 17 dự án điện gió đã được phê duyệt chủ trương và đang triển khai đầu tư với tổng công suất 1.242,4 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 43.197,63 tỷ đồng. Trong năm 2021, dự kiến có 16 dự án với công suất 1.192,4 MW sẽ đưa vào vận hành thương mại. Khi đi vào hoạt động cứ 1 MW điện gió sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 550 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu 1.242,4 MW điện gió khi đưa vào vận hành thương mại sẽ đóng góp vào nguồn thu ngân sách hơn 680 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,6% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Ngoài ra, 89 dự án điện gió đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng công suất 11.559,2 MW; 9 dự án điện gió đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, tổng công suất dự kiến 1.221,4 MW.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-khẳng định: “Qua nắm bắt tình hình thực tế của các chủ đầu tư dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, có thể thấy các nội dung về “Xung đột nảy lửa trong đền bù các dự án điện gió tại Gia Lai” đăng trên một số trang điện tử là chưa đúng với thực tế triển khai. Nội dung bài viết chưa lấy số liệu chính xác từ các doanh nghiệp và chính quyền địa phương nên có những thông tin gây hoang mang dư luận... Tuy nhiên, để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB; đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thi công và vận chuyển thiết bị các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo về công tác tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường và bồi thường GPMB; hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về đất đai, môi trường theo quy định; hướng dẫn chủ đầu tư và các địa phương thực hiện các quy định liên quan đến công tác bồi thường, GPMB... Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố (nơi có các dự án điện gió) yêu cầu chủ đầu tư phối hợp, cung cấp lộ trình, kế hoạch triển khai các hoạt động chuẩn bị đóng điện (nhất là bản đồ mặt bằng vị trí các turbine; hướng tuyến đường dây đấu nối, đường dây kết nối các turbine; những vị trí chưa hoàn thành GPMB...); làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, giải thích các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bồi thường, GPMB nhằm tạo sự đồng thuận và tiến hành bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân trước khi triển khai thi công, xây dựng các hạng mục công trình; lãnh đạo, chỉ đạo, huy động đồng bộ các lực lượng tham gia giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, cản trở thi công tránh phát sinh các “điểm nóng” về an ninh, trật tự trên địa bàn”.

Sở dĩ phát sinh một vấn đề trong quá trình thực hiện công tác đền bù các dự án điện gió hiện nay là việc người dân yêu cầu các công ty phải thuê khoảng không gian mà đường điện đi qua và khoảng không gian dưới cánh quạt gió. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm: “Hiện nay, trong quy định đối với các dự án điện gió thì chỉ có đền bù diện tích móng trụ, chứ chưa có quy định nào phải bồi thường diện tích cánh quạt vươn ra trên không hay khoảng không gian mà đường điện đi qua”.

16 dự án điện gió đang thi công trên địa bàn tỉnh đã thu hút nguồn vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng. 16 dự án này có 297 trụ turbine gió 3,3-5 MW/trụ. Từ các dự án này đã có 503 km đường dây các loại 22 kV-500 kV và gần 190 km đường giao thông các loại được hình thành. Từ đó, có thể thấy kết quả trong việc đầu tư các dự án điện gió là rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thi công phát sinh một số việc chưa đồng thuận liên quan đến việc đền bù, vì một số người dân đã đòi tiền đền bù với giá quá cao khiến chủ đầu tư gặp khó khăn trong công tác này, càng không có chuyện chủ đầu tư ép giá đền bù đất của người dân như một số luồng dư luận vừa qua.

 

 THIÊN ĐĂNG - VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm