Dạy trực tiếp kết nối trực tuyến: Nâng cao hiệu quả học tập cho học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khoảng thời gian học sinh đi học tập trung, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã linh hoạt tổ chức dạy học trực tiếp kết nối trực tuyến. Hình thức này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần hỗ trợ và nâng cao chất lượng học tập cho những học sinh chưa thể đến trường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngày 20-9, hơn 1.500 học sinh thuộc khu vực vùng xanh của Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) nô nức đến trường sau khi dịch Covid-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn trường vẫn có 138 em ở cả 3 khối lớp chưa thể đi học tập trung vì cư trú tại các vùng vàng, cam, đỏ trên bản đồ dịch tễ; bị kẹt ở ngoài tỉnh; đang phải thực hiện cách ly y tế hoặc có người thân cách ly y tế tại nhà để phòng-chống dịch Covid-19. Nhằm giúp những học sinh này theo kịp tiến độ chương trình và tiếp cận tối đa kiến thức mà giáo viên truyền đạt, nhà trường đã quyết định triển khai thực hiện hình thức học tập trực tiếp kết hợp trực tuyến. 
Cô Mai Thị Tám-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Bắt đầu từ tuần học thứ 3 (ngày 20 đến ngày 25-9) cho đến thời điểm cả trường phải chuyển trạng thái sang học trực tuyến toàn bộ, nhà trường đã tổ chức dạy học trực tiếp và trực tuyến kết nối song song. Số học sinh chưa thể tới trường sẽ được biên chế vào 3 lớp học đang học trực tiếp theo từng khối lớp. Các lớp này được trang bị sẵn camera, đường truyền internet, ti vi, máy tính xách tay có ứng dụng học trực tuyến đã mua bản quyền từ VNPT. Khi giáo viên lên lớp, hệ thống sẽ thu trực tiếp âm thanh và hình ảnh để truyền đến thiết bị học trực tuyến của học sinh. Do đó, dù ở nhà nhưng các em vẫn có thể tham gia vào tiết học cùng với các bạn trên lớp, giúp việc học không bị gián đoạn.
Em Lường Mai Quốc Hiếu (lớp 12C2) phấn khởi nói: “Dù cư trú tại vùng cam không thể tới lớp nhưng khoảng thời gian được học trực tuyến kết nối với các bạn học trực tiếp trên trường, em thấy rất thú vị. Không khí học tập khá chân thực, hoàn toàn khác với học trực tuyến 100%. Chúng em có thể tương tác trực tiếp với thầy cô và các bạn nên việc tiếp thu kiến thức cũng tốt hơn. Mong sao dịch bệnh chóng qua để chúng em có thể đến trường học tập”. Tiếp lời con trai, chị Mai Thị Lựu (tổ 10, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) nhận định: “Qua quan sát, theo dõi quá trình học kết nối của Hiếu, tôi thấy con thoải mái và vui vẻ hơn hẳn; các thầy-cô giáo cũng giảng dạy nhiệt tình. Phụ huynh chúng tôi rất yên tâm khi nhà trường đã chủ động, linh hoạt tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các con dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”. 
Một tiết dạy Ngữ văn của cô Bùi Lê Trang Nhung (Trường THPT Phan Bội Châu) dưới hình thức trực tiếp kết nối trực tuyến vào ngày 21-9. Ảnh: Mộc Trà
Một tiết dạy Ngữ văn của cô Bùi Lê Trang Nhung (Trường THPT Phan Bội Châu) dưới hình thức trực tiếp kết nối trực tuyến vào ngày 21-9. Ảnh: Mộc Trà
Về phía giáo viên, cô Bùi Lê Trang Nhung (Trường THPT Phan Bội Châu) cho hay: “Chúng tôi luôn nhận thức rõ việc dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến là hình thức dạy học mới, cần thiết và đem lại hiệu quả thiết thực trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, mỗi giáo viên đều cố gắng làm chủ các công cụ, thiết bị công nghệ, phần mềm nhằm tạo ra một giờ học thú vị, thu hút. Chúng tôi linh hoạt quan tâm cả 2 đối tượng học sinh, tương tác với các em một cách tự nhiên nhất có thể để việc dạy học kết nối đạt hiệu quả cao nhất”.
Theo Phó Hiệu trưởng Mai Thị Tám, những ngày đầu, toàn bộ thiết bị ghi hình phục vụ cho việc dạy học kết nối đều do giáo viên trong trường hỗ trợ. Sau đó, nhà trường đã trích kinh phí mua 1 camera và tiếp nhận sự tài trợ từ phụ huynh 2 camera (trị giá 3 triệu đồng/chiếc). “Mặc dù chỉ triển khai được hơn 1 tuần rồi sau đó lại phải chuyển sang dạy học trực tuyến toàn bộ để phòng-chống dịch, thế nhưng hiệu quả mang lại khá rõ rệt. Từ nay cho đến khi được đi học tập trung trở lại, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện hình thức này nếu vẫn có học sinh chưa thể đến trường”-cô Tám thông tin thêm.
Tương tự, Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê) cũng ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp tại lớp học. Cô Nguyễn Thị Huệ-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Căn cứ tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị, chúng tôi đã trang bị máy tính, hệ thống loa, đường truyền internet và đầu tư mua sắm 14 webcam với tổng kinh phí gần 50 triệu đồng. Giáo viên dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu cho học sinh trên phần mềm Google Meet ngay tại lớp học. Đối với 14 học sinh (ở cả 3 khối lớp) thiếu trang-thiết bị không thể tham gia học trực tuyến, nhà trường đã xin ý kiến tổ chức dạy học cho các em trực tiếp tại trường, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, khai báo y tế và các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 theo quy định. Vì thế, trong mỗi tiết học ở 2 tuần đầu tiên, giáo viên vừa dạy trực tuyến vừa dạy trực tiếp. Sau hơn 2 tuần đi học tập trung tiếp theo, trường được trưng dụng làm khu cách ly phòng-chống dịch nên hiện toàn trường đang dạy học trực tuyến tại nhà.
Trong 2 tuần học đầu tiên, những học sinh thiếu trang-thiết bị học trực tuyến của Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê) được lên lớp học trực tiếp và thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà
Trong 2 tuần học đầu tiên, những học sinh thiếu trang-thiết bị học trực tuyến của Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê) được lên lớp học trực tiếp và thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà
“Nhà em ở xã Ayun, cách trường khoảng 20 km. Không có điện thoại thông minh, đường truyền internet ở làng cũng khá yếu nên em rất vui khi được nhà trường tạo điều kiện đến lớp học trực tiếp trong 2 tuần đầu năm học mới. Là học sinh cuối cấp nên việc lĩnh hội kiến thức đầy đủ ngay từ đầu rất quan trọng, là nền tảng giúp em tiếp thu bài dễ dàng hơn khi phải học trực tuyến ở thời điểm hiện tại”-em Đinh Dắt (lớp 12A3) bày tỏ.
Trước hiệu quả của hình thức dạy học trực tiếp kết nối trực tuyến đem lại, ngành Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đang có chủ trương nhân rộng đại trà cho các trường THPT trong tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả học tập cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo phòng-chống dịch Covid-19. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định cho biết: Hoạt động giáo dục-đào tạo trực tiếp ở các địa phương thuộc vùng xanh và vùng đỏ đã được quy định rõ ràng theo cấp độ dịch. Riêng đối với các trường ở vùng vàng và cam, nếu chia đôi lớp học để đảm bảo giãn cách phòng-chống dịch thì vừa thiếu giáo viên đứng lớp, vừa không đủ kinh phí chi trả tiền bù tiết cho giáo viên; chưa kể tiến độ thực hiện chương trình sẽ bị chậm. Lúc này, hình thức dạy học trực tiếp kết nối với trực tuyến được xem là giải pháp “gỡ khó”. Chỉ cần 1 tiết học, giáo viên có thể cùng lúc dạy song song cho số học sinh đi học trực tiếp lẫn gián tiếp ở nhà thông qua các thiết bị công nghệ và ứng dụng học trực tuyến. Sau 3 ngày, nhà trường có thể đổi số học sinh học gián tiếp lên học trực tiếp (trừ những em thuộc diện phải cách ly y tế) và ngược lại để đảm bảo quyền lợi được tới lớp cho tất cả học sinh. Như vậy, việc dạy và học ở vùng vàng, vùng cam sẽ trở nên chủ động, linh hoạt mà vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.