(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn-giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã đào tạo nghề cho gần 50.000 lao động, trong đó có 34.000 lao động được hỗ trợ theo Quyết định 1956. Sau đào tạo nghề, 80% người lao động tìm được việc làm, cho thu nhập cao, nhất là một số nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp.
Hướng dẫn chăm sóc bò cho nông dân. Ảnh: Đinh Yến |
Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn thời gian gần đây đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Cụ thể, năm 2016, toàn tỉnh có kế hoạch đào tạo nghề cho 4.500 lao động nông thôn, nhưng vì đến thời điểm cuối tháng 4-2016, tỉnh chưa phân bổ ngân sách về cho các địa phương nên vẫn chưa triển khai được. Ông Nguyễn Tấn Thành-Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết: “Do tỉnh chưa có quyết định phân bổ ngân sách nên các địa phương phải chờ!”.
Được biết, 6 tháng đầu năm là thời điểm dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp nhất, bởi thời gian này nông nhàn, bà con có thời gian tham gia học nghề, nhưng vì lý do nguồn ngân sách hỗ trợ cho công tác dạy nghề chưa được phân bổ nên các địa phương chưa hợp đồng với các cơ sở dạy nghề để mở lớp. “Việc làm này vô hình trung làm giảm đi hiệu quả trong công tác dạy và học nghề. Cuối năm, người dân bận bịu mùa màng nên vận động bà con học nghề rất khó”-ông Siu Thil-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và trang-thiết bị phục vụ cho việc dạy nghề lao động nông thôn cũng hạn chế. Qua kiểm tra tại các cơ sở đào tạo nghề công lập cho thấy, thời gian qua, các đơn vị chủ yếu tập trung đầu tư trang-thiết bị phục vụ dạy các nghề phi nông nghiệp, chưa chú trọng đầu tư, mua sắm trang-thiết bị dạy các nghề nông nghiệp. Trong khi đó, kết quả đào tạo các nhóm nghề nông nghiệp trong hơn 6 năm qua chiếm gần 60% trong tổng số lao động đã được đào tạo. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng một số đơn vị không có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn mở lớp dạy nghề nông nghiệp.
Mặt khác, chương trình, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập. Trong số 37 nghề được đề án phê duyệt trong đào tạo 2 nhóm nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho lao động nông thôn hiện nay không còn phù hợp với nhu cầu thực tế phát triển nghề của người dân. Đơn cử như ở huyện Chư Pưh, trong năm 2015, huyện được giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho gần 300 lao động nông thôn; theo đó mở được 12 lớp học nghề thì có tới 8 lớp học nghề chăn nuôi và phòng bệnh trâu, bò, còn lại chỉ có 1 lớp trồng nấm, 2 lớp nề và 1 lớp lắp đặt và sửa chữa điện sinh hoạt; trong khi thế mạnh ở huyện Chư Pưh không phải nuôi trâu, bò mà bà con chủ yếu làm nghề trồng cà phê, tiêu, cao su, một số cây ngắn ngày và kinh doanh các hàng hóa dịch vụ khác.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tấn Thành cho biết: Trước những tồn tại nêu trên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của đề án sẽ tham mưu những giải pháp hữu hiệu cho tỉnh để có những thay đổi phù hợp đối với công tác dạy nghề lao động nông thôn. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo cho các địa phương tập trung tuyên truyền một cách sâu rộng để người dân hiểu rõ những cơ chế chính sách gắn với quyền lợi của họ. Mặt khác, lựa chọn đúng những người có nhu cầu thực sự học nghề để dạy nghề. Tiếp tục nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán ở từng địa bàn; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho dạy nghề, như: cơ sở vật chất, trang-thiết bị, công tác xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn; phát triển ngành nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, gắn dạy nghề với thị trường lao động và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động...
Đinh Yến