Đạo diễn Việt Nam đầu tiên được Hollywood tôn vinh là ai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đạo diễn này nổi tiếng với những bộ phim như "Thị xã trong tầm tay"; "Bao giờ cho đến tháng mười"; "Thương nhớ đồng quê", "Đừng đốt",...

NSND Đặng Nhật Minh là một trong những đạo diễn hiếm hoi của Việt Nam có được những thành công quốc tế. Ông sinh ngày 11/5/1938 tại Huế, trong một gia đình trí thức lớn. Bố ông là GS Đặng Văn Ngữ - bác sĩ tài năng của nền y học Việt Nam, còn mẹ là bà Tôn Nữ Thị Cung - một người phụ nữ xinh đẹp, thục hiền, đoan trang, giỏi tiếng Pháp. Mẹ NSND Đặng Nhật Minh là con gái quan Thượng thư bộ hình dưới triều Khải Định.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

NSND Đặng Nhật Minh học ở Việt Nam đến năm 14 tuổi, sau đó sang Liên Xô (cũ) học 18 tháng. Trở về Việt Nam, ông làm việc tại Trung tâm phát hành phim với vai trò phiên dịch phim. Đặng Nhật Minh là người nói được nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Pháp.

Sự nghiệp sáng tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh trải dài hơn nửa thế kỷ với những tác phẩm phản ánh chân thật đời sống của con người Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm. Ông ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả với những bộ phim giàu tính nhân văn và chất thơ.

Khởi đầu bằng những tác phẩm ít được biết đến như Những ngôi sao biển (1973), Ngày mưa cuối năm (1976), tên tuổi của ông thực sự tỏa sáng với bộ phim Thị xã trong tầm tay. Tác phẩm này đã thành công trong việc khắc họa chân thực những nỗi đau và mất mát của con người sau chiến tranh biên giới phía Bắc.

Thời điểm năm 1983, khi cảm hứng anh hùng ca, cảm hứng sử thi vẫn đậm nét trong văn học nghệ thuật, với các tác phẩm thiên về phản ánh ngợi ca một chiều, “chủ nghĩa lý lịch” được coi trọng và con người cá nhân bị coi nhẹ thì Thị xã trong tầm tay thực sự là tiếng nói mới, tiếng nói khác, giãi bày cái bên trong nhiều bất ổn. Bộ phim đã mang về cho ông giải thưởng cao quý Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1983.

Thành công của bộ phim đã mở ra một thời kỳ thành công rực rỡ của Đặng Nhật Minh với Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Trở về, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông năm 1946, Mùa ổi, Đừng đốt…

Một cảnh trong bộ phim "Bao giờ cho tới tháng Mười".

Một cảnh trong bộ phim "Bao giờ cho tới tháng Mười".

Bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tác phẩm đã vượt qua biên giới Việt Nam, nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn trong nước và quốc tế như giải thưởng Bông Sen vàng Liên hoan phim Việt Nam, Giải Đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Hawaii. Phim cũng được CNN bình chọn là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.

Phong cách làm phim của NSND Đặng Nhật Minh luôn hướng đến việc khám phá tâm hồn con người và vẻ đẹp của quê hương. Ông quan tâm đến số phận của người phụ nữ Việt Nam, thể hiện rõ nét qua các tác phẩm như Cô gái trên sông (1987),Thương nhớ đồng quê (1995)

Bên cạnh đó, NSND Đặng Nhật Minh còn dành trọn tình yêu với Hà Nội. Hơn ba phần tư cuộc đời, ông gắn bó với Thủ đô, từng góc phố, con ngõ đều in dấu những kỷ niệm sâu sắc. Vì thế Hà Nội không chỉ là nơi ông sinh sống, làm việc mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những tác phẩm điện ảnh của mình.

Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Đừng đốt, Hoa nhài là những ví dụ điển hình. Trong đó, tác phẩm mới nhất Hoa nhài là một bức tranh đẹp về Hà Nội hiện đại, với những con người trẻ trung, năng động nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Với Hoa nhài, Đặng Nhật Minh muốn gửi gắm thông điệp về tình người ở Hà Nội đâu đó vẫn còn nguyên vẹn.

"Tôi muốn trả ơn mảnh đất đã nuôi tôi lớn lên, giúp tôi trưởng thành. Cuối đời, tôi viết truyện ngắn Hoa nhài, kể những chuyện đơn giản, loanh quanh khu tôi sống. Tôi truyền tải về tình yêu Hà Nội, về tầng lớp bình dân của Hà Nội.

Tôi làm phim này không áp lực doanh thu vì nhà đầu tư nói rằng hãy cứ làm một phim như tôi muốn. Không có gì hạnh phúc khi được làm một bộ phim mình thực sự muốn làm. Điều này khó chứ không phải dễ.

Khi làm phim, tôi chỉ nghĩ về tình cảm của tôi với Hà Nội. Cuối đời rồi, còn ham gì nữa. Doanh thu trăm tỷ chẳng để làm gì cả, làm điều mình muốn mới là sướng nhất!", đạo diễn Đặng Nhật Minh từng chia sẻ.

NSND Lê Vân trong bộ phim "Thương nhớ đồng quê".

NSND Lê Vân trong bộ phim "Thương nhớ đồng quê".

Tất cả các bộ phim của NSND Đặng Nhật Minh thành công khi xây dựng, miêu tả những thân phận con người trong dòng chảy lịch sử thực sự đặc sắc, ấn tượng. Ông khai thác nội tâm sâu sắc, có nhiều độc thoại. Các nhân vật của ông trăn trở nhiều về lẽ sống, tình người.

Với những cống hiến vượt trội trong sự nghiệp điện ảnh, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993 và nhận Huân chương Lao động hạng nhất năm 1998. Năm 2007, đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm: Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa đông năm 46Mùa ổi. Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng giữ chức vụ Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam.

Bên cạnh đó, đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng được vinh danh tại nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: giành giải Nikkei Asia của Nhật ở hạng mục Văn hóa vào năm 1999, giải Thành tựu trọn đời vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju 2005, Giải thưởng Điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae-jung năm 2013, Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật của Pháp 2022,...Ông cũng được mời dự và làm giám khảo nhiều liên hoan phim ở nhiều nước.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận Giải thưởng Điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae-jung năm 2013.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận Giải thưởng Điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae-jung năm 2013.

Năm 2010, NSND Đặng Nhật Minh là đạo diễn Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tôn vinh với những cống hiến với điện ảnh nước nhà. Tại đây, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã có buổi tọa đàm trước khán giả Mỹ về những bộ phim của mình. Bộ phim Mùa ổi được chọn trình chiếu giới thiệu.

Nhận định về tài năng của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, ông Klaus Eder, người từng giữ chức Tổng thư ký Hiệp hội các nhà phê bình phim quốc tế đánh giá: "Đạo diễn Đặng Nhật Minh là người đã đưa điện ảnh Việt Nam đến với thế giới".

Còn ông Marcel Martin, nhà phê bình phim nổi tiếng Pháp đã nói với đạo diễn Đặng Nhật Minh sau khi xem xong phim Trở về tại LHP Nantes (Pháp) năm 1994: "Bây giờ, anh có thể hội nhập với điện ảnh thế giới được rồi" .

Đạo diễn Đặng Nhật Minh được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tôn vinh với những đóng góp cho điện ảnh Việt Nam

Đạo diễn Đặng Nhật Minh được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tôn vinh với những đóng góp cho điện ảnh Việt Nam

Một nhà báo Mỹ đã viết bài đăng trên tờ International Herald Tribune gọi Đặng Nhật Minh là "Nhà ngoại giao con thoi của điện ảnh Việt Nam" , bởi qua các tác phẩm của ông, bạn bè thế giới hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam với những vẻ đẹp của lịch sử và chiều sâu văn hóa.

Tờ tin tức Korea Herald của Hàn Quốc khẳng định đạo diễn Đặng Nhật Minh là một tên tuổi đã được nền điện ảnh thế giới biết đến từ lâu. Những tác phẩm điện ảnh của ông vừa chân thực, vừa giàu sức gợi cảm, được ví như những vần thơ của điện ảnh Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam từng chia sẻ: "Tôi rất tự hào được nhấn mạnh rằng, đạo diễn Đặng Nhật Minh là một trong những người làm phim hàng đầu của Việt Nam mà những tác phẩm của ông được tạo nên bằng tài năng, tâm huyết và trách nhiệm xã hội lớn lao của người nghệ sĩ chân chính.

Ông góp phần tạo dựng nên diện mạo của nền điện ảnh Việt Nam tiến bộ, nhân văn, đậm bản sắc dân tộc".

Theo Lê Chi (VTCNews)

Có thể bạn quan tâm

Trên 15.000 khán giả Gia Lai bùng cháy cùng Đại nhạc hội Sound Freedom by Vinaphone

Trên 15.000 khán giả Gia Lai bùng cháy cùng Đại nhạc hội Sound Freedom by Vinaphone

(GLO)- Tối 2-11, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại nhạc hội Sound Freedom by Vinaphone mùa 2. Với phần trình diễn đầy ấn tượng của các ca sĩ: Isaac, Erik, Dương Domic, Hooligan, Ngọc Kayla, DJ Emma, Hype PG…sự kiện đã thu hút trên 15.000 khán giả tham gia.