Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 15: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị “về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng”, từ đầu năm 2010, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức cơ sở Đảng, các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy tiến hành tổ chức Đại hội.

Với tinh thần chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm quy trình, 22 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã tổ chức đại hội thành công tốt đẹp. Trên cơ sở đó, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010-2015) được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 6-10-2010 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Dự Đại hội có 320 đại biểu (gồm 271 đại biểu được bầu ở 22 Đảng bộ trực thuộc và 49 đại biểu đương nhiên), đại diện cho hơn 33.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội vinh dự được đồng chí Nông Đức Mạnh-Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chỉ đạo Đại hội.

Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư BCHTW Đảng phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010- 2015)
Đồng chí Nông Đức Mạnh-Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010- 2015)


Với tinh thần dân chủ, khách quan, khoa học, Đại hội đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến và nhất trí thông qua Báo cáo chính trị; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII; Báo cáo tổng hợp ý kiến của Đảng bộ tỉnh đóng góp vào các dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng.

Đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2005-2010), Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định: Trong bối cảnh phải đối mặt với những khó khăn, thách thức ở trong nước và trên thế giới như cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường; an ninh chính trị còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp... Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đầu tư của Trung ương Đảng, Chính phủ, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.

Đại hội đánh giá, phân tích những yếu kém, khuyết điểm, đó là: Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, GDP bình quân đầu người còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Giáo dục-đào tạo, văn hóa thể thao và y tế ở cơ sở chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực thấp. Xoá đói giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở một số huyện và các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn yếu kém, khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh chậm được thu hẹp. An ninh chính trị vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền cấp cơ sở ở một số nơi chưa theo kịp với tình hình. Cán bộ cơ sở tuy đã có sự quan tâm bổ sung, nâng cao trình độ, song vẫn còn thiếu và yếu. Cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả chưa cao. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở chưa thật sự hiệu quả, chưa khai thác tốt nguồn lực và khả năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010-2015)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010-2015)


Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2005-2010), Đảng bộ tỉnh rút ra 4 bài học kinh nghiệm là:

Một là: Giữ vững ổn định chính trị-xã hội là yếu tố tiên quyết đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng thời phải gắn phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững.

Hai là: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực và tâm huyết với sự nghiệp đổi mới của Đảng; đề cao vai trò, tính năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân; qua đó đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Ba là: Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải có chương trình, kế hoạch cụ thể với các giải pháp đồng bộ; vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và phải xuất phát từ lợi ích của dân, dựa vào dân để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Bốn là: Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành kinh tế-xã hội, nắm bắt thông tin và dự báo tình hình; bám sát thực tiễn để đề ra các giải pháp phù hợp trên tinh thần phát huy tối đa nội lực, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài; chỉ đạo tổ chức thực hiện phải tập trung quyết liệt. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện và tổng kết thực tiễn kịp thời. Đề cao dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể và trách nhiệm của người đứng đầu.

Đại hội thống nhất phương hướng tổng quát của nhiệm kỳ là: “Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với các địa phương trong nước và nước ngoài để phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp và hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể. Xây dựng tỉnh Gia Lai thành một tỉnh phát triển mạnh về kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng-an ninh, tiến tới trở thành vùng phát triển năng động trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia”.

Đại hội đề ra các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đến năm 2015: Quy mô GDP theo giá hiện hành đạt 48.500 tỷ đồng (tính theo giá so sánh năm 1994 đạt 12.300 tỷ đồng); GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 34,2 triệu đồng (tương đương với 1.622 USD) gấp 2,35 lần năm 2010 (tính theo giá so sánh năm 1994 gấp 1,6 lần). Cơ cấu kinh tế: ngành nông nghiệp chiếm 33%, ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 36,7%, dịch vụ chiếm 30,3%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.900 tỷ đồng, gấp 2,13 lần so với năm 2010. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 250 triệu USD. Phấn đấu đạt tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm đến khoảng 67.700 tỷ đồng, tăng bình quân 18,2%/năm. Độ che phủ của rừng (gồm cả cây cao su) đạt 53,1%.

Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,28%. Giải quyết việc làm cho 2,3 vạn lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%. Xây dựng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới, thu nhập dân cư nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong nông thôn còn 2,4%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2% (theo tiêu chí hiện nay). Số xã có bác sĩ đạt 80%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 20%; hầu hết các hộ đều được sử dụng điện, được xem truyền hình; 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Cơ bản các thôn, làng, tổ dân phố có đảng viên và 90% thôn, làng, tổ dân phố có tổ chức Đảng. Hàng năm, số tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh đạt 70% trở lên; số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 80% trở lên. Kết nạp đảng viên mới hằng năm đạt 7% trở lên/tổng số đảng viên.

Lễ phát động thi đua Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới (tháng 7-2011)
Lễ phát động thi đua Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới (tháng 7-2011)


Đại hội xác định nhiệm vụ và giải pháp phát triển trong 5 năm (2010-2015): Tập trung phát triển nông-lâm nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển, hiện đại hóa những ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và tác động mạnh đến sự phát triển nhanh, bền vững như: công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng (thủy điện, phong điện, năng lượng mặt trời), khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư cả trong nước và nước ngoài, nhất là thị trường các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào.

Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, tăng mức đầu tư cho các vùng động lực, các ngành có lợi thế nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tăng cường khai thác các nguồn thu, tiết kiệm chi ngân sách và nâng dần tỷ lệ tự cân đối ngân sách, tăng chi cho đầu tư phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân và khu vực dân doanh phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp ngày càng nhiều cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ người nghèo và tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Thực hiện tốt chương trình định canh, định cư, sắp xếp bố trí lại dân cư nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, gia đình chính sách. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về y tế.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Thực hiện nếp sống văn hóa mới, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đẩy lùi hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh Nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ và các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị. Kiên quyết đấu tranh không để hình thành các tổ chức phản động bên trong; không để các thế lực thù địch và bọn phản động FULRO lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo kích động, lôi kéo Nhân dân tụ tập đông người phá rối an ninh, bạo loạn chính trị. Chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những vấn đề bức xúc ở cơ sở, không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh nông thôn và trật tự xã hội; thực hiện tốt các chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng theo hướng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở và phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh thông qua việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết với quyết tâm phấn đấu và tính khả thi cao, kiên định vượt qua khó khăn thử thách, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí.

Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với phát huy dân chủ, nâng cao vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc giám sát, phòng-chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...

Với tinh thần dân chủ, đổi mới, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010-2015) gồm 55 đồng chí đại diện cho hơn 33.000 đảng viên của Đảng bộ, thể hiện tính liên tục, kế thừa, đổi mới. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã họp phiên đầu tiên bầu Ban Thường vụ gồm 14 đồng chí. Đồng chí Hà Sơn Nhin tiếp tục được bầu là Bí thư Tỉnh ủy khóa XIV (nhiệm kỳ 2010-2015); các đồng chí: Phạm Đình Thu, Phạm Thế Dũng, Bùi Văn Cường được bầu là Phó Bí thư Tỉnh ủy; bầu 11 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Đại hội tiến hành bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng gồm 15 đồng chí là đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là Đại hội “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển nhanh và bền vững”. Do đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là Đại hội đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của Đảng bộ tỉnh thời kỳ mới. Thành công của Đại hội có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của tỉnh từ giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo.

Nguồn: ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI-TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI (1945-2020)
 

Có thể bạn quan tâm

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 6: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 6: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V

(GLO)- Từ ngày 23 đến ngày 30-10-1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ V họp tại làng Salam Vir, thuộc thị trấn Dân chủ, khu 10. Dự Đại hội có 169 đại biểu thay mặt hơn 5.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trên cơ sở thảo luận, quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 về cách mạng miền Nam, Đại hội đã đánh giá những thành tích và khuyết điểm, thiếu sót về sự lãnh đạo của Đảng bộ, chỉ đạo của Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ công tác vừa qua (1971-1973).
Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 5: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 5: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV

(GLO)- Thực hiện Thông tri số 274-TT/TW, ngày 4-9-1971 của Ban Bí thư Trung ương về “Hướng dẫn thêm về việc mở Đại hội Đảng các tỉnh, thành và huyện, thị“, từ ngày 14 đến ngày 24-9-1971, tại làng Kon Tơmok, xã Đakhleh, khu 1 đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV. Đại hội có 126 đại biểu thay mặt cho 4.544 đảng viên trong toàn Đảng bộ về dự.
Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 3: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 3: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II

(GLO)- Từ ngày 12 đến ngày 22-7-1965, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II được tổ chức tại xã Đak Kơpiar (khu 10). Tham dự Đại hội có 67 đại biểu chính thức, 20 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 2.321 đảng viên, 147 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ.
Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 2: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 2: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I

(GLO)- Qua 5 năm (1954-1959) lãnh đạo đấu tranh, xây dựng, phát triển, Đảng bộ có những bước trưởng thành vượt bậc. Được sự chỉ đạo của Liên khu ủy V, tháng 12-1959, tại Đak Hlôh (khu 2), Tỉnh ủy Gia Lai quyết định mở Hội nghị đại biểu (được cấp trên chuẩn y như Đại hội), gồm 45 đại biểu được chỉ định từ các Đảng bộ khu và chi bộ trực thuộc. Đại hội đã kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ từ sau Hiệp định Giơnevơ (tháng 7-1954) đến cuối năm 1959 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng.

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội: Đại hội đầu tiên

(GLO)- Lời Tòa soạn: Ngày 1-10-1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập tại thị xã Pleiku. Đây là tiền thân của Đảng bộ tỉnh Gia Lai ngày nay. Trong 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã trải qua 15 kỳ đại hội (chưa kể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên vào năm 1949). Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Báo Gia Lai lần lượt giới thiệu tóm tắt nội dung các kỳ đại hội.