(GLO)- Lời Tòa soạn: Ngày 1-10-1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập tại thị xã Pleiku. Đây là tiền thân của Đảng bộ tỉnh Gia Lai ngày nay. Trong 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã trải qua 15 kỳ đại hội (chưa kể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên vào năm 1949). Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Báo Gia Lai Điện tử lần lượt giới thiệu tóm tắt nội dung các kỳ đại hội.
* Kỳ 1: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần đầu tiên
Đồng chí Nguyễn Xuân-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (tháng 2-1949). |
Ngày 21- 2-1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần đầu tiên được tổ chức tại Gò Cầy, thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định). Tham dự Đại hội có 50 đại biểu, thay mặt cho các tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ.
Đại hội tổng kết tình hình khôi phục cơ sở, tổ chức nhân dân kháng chiến, xây dựng Đảng. Đại hội đã nhận định: Trong 3 năm (1946-1949), Đảng bộ Gia Lai đã phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhanh chóng khôi phục và phát triển cơ sở, xây dựng chính quyền và tổ chức quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, xây dựng các chiến khu Xóm Ké, Gia Hội, tổ chức chiến tranh du kích không chỉ ở vùng người Kinh, vùng giáp ranh mà cả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển cơ sở sâu vào vùng đồng bào Thiên Chúa giáo, vùng công nhân của các đồn điền. Phối hợp chặt chẽ với các hoạt động quân sự của bộ đội chủ lực Liên khu 5, Đảng bộ đã lãnh đạo quân dân đẩy mạnh phong trào địa phương tiến lên. Đảng bộ có bước trưởng thành, đội ngũ đảng viên phát triển qua thử thách tôi luyện, bám sát dân, sát cơ sở. Đảng bộ đã thực sự lãnh đạo, quản lý mọi mặt công tác kháng chiến trên toàn tỉnh.
Đại hội đề ra nhiệm vụ trước mắt là: Củng cố căn cứ bàn đạp, củng cố chính quyền và các tổ chức quần chúng trong “Hội đánh Tây” (Mặt trận Liên-Việt), phát triển cơ sở vào các vùng xung yếu; xây dựng bộ đội tập trung, dân quân du kích, xây dựng làng kháng chiến, đẩy mạnh các hình thức đấu tranh chống âm mưu bình định, chiêu an, củng cố vùng chiếm đóng của địch; tăng cường lãnh đạo công tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, phát triển đảng viên, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ địa phương, xây dựng chi bộ tự động công tác, coi trọng việc giáo dục quan điểm quần chúng, chính sách dân tộc, ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng tinh thần kiên trì vận động cách mạng, bám dân, bám cơ sở lãnh đạo phong trào.
Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Xuân làm đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 5 lần thứ nhất, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, gồm 4 đồng chí: Đồng chí Nguyễn Xuân được bầu làm Bí thư, đồng chí Phan Bá (Võ Đông Giang) được bầu làm Phó Bí thư; các đồng chí Dương Thành Đạt và Phạm Kiêm (đại biểu ở quân sự) làm Tỉnh ủy viên. Khi đồng chí Nguyễn Xuân đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Việt Bắc, đồng chí Phan Bá (Võ Đông Giang) thay làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Gia Lai lần đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ trong công cuộc lãnh đạo kháng chiến, ghi cột mốc lịch sử quan trọng sau hơn 3 năm Đảng bộ lãnh đạo xây dựng phong trào kháng chiến địa phương. Đây là đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Gia Lai.
Sau Đại hội, các mặt hoạt động đều được chấn chỉnh và phát triển, công tác gây cơ sở địch hậu được tiến hành tích cực, phong trào du kích chiến tranh phát triển, vùng căn cứ bàn đạp Nam-Bắc An Khê được củng cố thêm một bước. Các hoạt động quân sự được đẩy mạnh, ta bẻ gãy nhiều cuộc hành quân của địch vào vùng căn cứ.
Nguồn: ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI (1945-2020)