(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 6-12-2004 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIII được tổ chức trọng thể từ ngày 9 đến ngày 12-12-2005, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Dự Đại hội có 299 đại biểu thuộc 19 Đảng bộ trực thuộc tỉnh, đại diện cho 23.044 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Về dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Thượng tướng Lê Văn Dũng-Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; về dự Đại hội còn có đại biểu lãnh đạo của các Ban xây dựng Đảng Trung ương, đại biểu của Đảng bộ Quân đoàn 3, Đảng bộ Binh đoàn 15.
Đại hội đánh giá hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (như: GDP bình quân đầu người, sản lượng lương thực, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách, xã có điện và số hộ sử dụng điện, đường ô tô đến trung tâm xã, hộ đói nghèo, huy động trẻ em đến trường, phổ cập trung học cơ sở, số lao động được giải quyết việc làm...). Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 gấp 2,55 lần năm 2000, tăng bình quân 20,6%/năm, đã hình thành một số khu, cụm công nghiệp và gắn nhà máy với vùng nguyên liệu có tác dụng thúc đẩy, hỗ trợ nông nghiệp-nông thôn và lưu thông hàng hoá phát triển. Các ngành dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng... phát triển đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Kết cấu hạ tầng như giao thông, điện, bưu chính viễn thông, thủy lợi, nước sinh hoạt được quan tâm đầu tư; chủ trương vừa đầu tư phát triển các vùng kinh tế động lực vừa quan tâm đến vùng sâu, vùng còn khó khăn đã đưa các vùng này phát triển, giảm dần khoảng cách giữa các vùng, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XIII (nhiệm kỳ 2005-2010) |
Sự nghiệp văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, những vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết. Quy mô giáo dục tăng nhanh, toàn tỉnh cứ 3,4 người dân có 1 người đi học; đến cuối năm 2005, có 50% số xã phổ cập THCS; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 18%. Các chương trình quốc gia về y tế được triển khai có kết quả; số người mắc bệnh sốt rét, phong, bướu cổ, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm nhanh. Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao được quan tâm và mở rộng; chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Phong trào quần chúng tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao có bước phát triển; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, mang lại kết quả thiết thực. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng tiếp tục được cải thiện, cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 21,5% năm 2000 xuống còn dưới 10% năm 2005 (theo tiêu chí cũ); định canh, định cư được củng cố và tăng cường. Việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo được chú trọng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước.
Quốc phòng-an ninh cơ bản ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tập trung chỉ đạo gắn phát triển kinh tế với quốc phòng-an ninh, xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng các cơ quan quân sự, đơn vị thường trực, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên vững về chính trị; nâng cao chất lượng hoạt động, khả năng sẵn sàng chiến đấu và hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng. Công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, chủ động hơn trong phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả ý đồ kích động, lôi kéo quần chúng gây bạo loạn, phá rối an ninh của bọn phản động. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh đã và đang đi dần vào ổn định; công tác đảm bảo an ninh nông thôn, phòng-chống tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội được triển khai đồng bộ, tích cực và có hiệu quả.
Công tác xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng, có những chuyển biến cơ bản trên nhiều mặt. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng-chính trị được tăng cường. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên, Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng có nhiều chuyển biến. Phát huy vai trò chủ động của các cơ quan Nhà nước trong quản lý và điều hành theo pháp luật; tính tích cực, sáng tạo của Mặt trận, các đoàn thể và Nhân dân trong công tác xây dựng Đảng. Từ đó chất lượng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên nâng lên qua từng năm. Công tác phát triển đảng viên gắn với “xóa” thôn, làng chưa có đảng viên được coi trọng, đã kết nạp hơn 6.000 đảng viên.
Hội đồng nhân dân các cấp từng bước được củng cố về tổ chức, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền và cải cách thủ tục hành chính có bước tiến bộ, hầu hết các sở, ngành và cấp huyện đã thực hiện cơ chế “một cửa”, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian giải quyết công việc. Cải cách tư pháp đạt được một số kết quả bước đầu trong hoạt động tố tụng và củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và cán bộ.
Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội hướng mạnh về cơ sở gắn liền với đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Triển khai có kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và Quy chế dân chủ ở cơ sở; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và mở rộng; truyền thống yêu nước, đoàn kết và cách mạng, lòng nhân ái, tính năng động sáng tạo trong các tầng lớp Nhân dân được phát huy; ý thức tự lực tự cường trong xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị và xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân được đề cao.
Đại hội thống nhất xác định phương hướng, nhiệm vụ tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy dân chủ, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh toàn diện; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ; khai thác tiềm năng lợi thế, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tạo sự phát triển năng động, với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; cải thiện rõ nét đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần các tầng lớp nhân dân, phấn đấu để sớm trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng-an ninh, chính trị ổn định, văn hóa-xã hội phát triển, phồn vinh”.
Mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2006-2015: Phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 12,5%/năm. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người gấp 2,2 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, nông-lâm nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 37%, 30% và 33%. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng nền tảng văn hóa, cải thiện đáng kể các mặt về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển mạng lưới an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực và hưởng thụ văn hoá của Nhân dân; cơ bản không còn hộ nghèo, giảm dần chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư. Phấn đấu sau năm 2015 thoát khỏi tỉnh nghèo và đạt mức trên trung bình của cả nước. Quốc phòng-an ninh được giữ vững và tăng cường, chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định. Củng cố, phát huy và tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền, vai trò tập hợp và vận động quần chúng của Mặt trận và các đoàn thể; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 2006-2010: Phấn đấu đến năm 2010 tăng nhanh về quy mô, tốc độ phát triển, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế; các vấn đề xã hội bức xúc căn bản được giải quyết; an ninh chính trị ổn định; hệ thống chính trị cơ sở cơ bản không còn yếu kém; đào tạo được đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Từng bước thu hẹp khoảng cách GDP bình quân đầu người so với mức trung bình của cả nước. Đến năm 2010, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP hàng năm từ 12,5% trở lên, trong đó: Nông-lâm nghiệp tăng 7,7%, công nghiệp-xây dựng tăng 19%, dịch vụ tăng 14,5%. GDP bình quân đầu người gấp 2,14 lần năm 2005. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế để nông-lâm nghiệp chiếm 38%, công nghiệp-xây dựng 31,5%, dịch vụ 30,5%. Bình quân tăng thu ngân sách hàng năm 18,5% và nâng dần khả năng tự cân đối ngân sách từ nguồn thu trên địa bàn; tăng chi cho đầu tư phát triển và sự nghiệp giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành dịch vụ và xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 465 triệu USD, tăng bình quân 22%/năm và đạt 130 triệu USD. Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách để huy động vốn đầu tư toàn xã hội, cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng cho các lĩnh vực xã hội, các vùng, các ngành có lợi thế.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, đời sống để trình độ công nghệ đạt mức trung bình của cả nước. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và các cơ quan nghiên cứu-triển khai, trước hết cho các ngành, lĩnh vực then chốt. Tăng cường quản lý và khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng độ che phủ của rừng và cây lâu năm lên 65%; xử lý nước thải, rác thải ở các đô thị, khu công nghiệp để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường; xây dựng nếp sống vệ sinh, văn hóa ở đô thị và nông thôn. Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 3%; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 85%. Không còn hộ đói, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 19% (theo tiêu chí mới).
Nâng cao dân trí và chất lượng giáo dục, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề. Huy động hầu hết số trẻ em trong độ tuổi tiểu học đến lớp, hoàn thành phổ cập THCS. Nâng cao thể lực và tuổi thọ cho Nhân dân, khống chế các dịch bệnh nguy hiểm, trên 95% trẻ em được tiêm chủng mở rộng, 100% trung tâm cụm xã có phòng khám và 60% số xã có bác sĩ; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 25%. Trên 90% số hộ sử dụng điện; 80% dân cư nông thôn và 90% dân cư đô thị dùng nước sạch; 100% số làng và 95% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số định canh, định cư bền vững.
Tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị; kiềm chế và đẩy lùi các loại tội phạm nguy hiểm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông. Liên tục tấn công làm tan rã về tổ chức và tư tưởng của bọn phản động; chủ động xử lý các tình huống phức tạp về an ninh chính trị, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XIII (nhiệm kỳ 2005-2010) |
Tạo chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước gắn với công tác cán bộ và cải cách hành chính. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, khắc phục bệnh hình thức, hành chính hóa để hướng mạnh về cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, phát huy tính tự giác của Nhân dân trong tham gia các phong trào ở cơ sở. Đến năm 2010, các thôn, làng đều có đảng viên và cơ bản có tổ chức Đảng. Số tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh đạt trên 60%, yếu kém dưới 2%, số đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 80%; kết nạp đảng viên hàng năm tăng 8%.
Đại hội cũng đưa ra định hướng và giải pháp chủ yếu, như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh và còn nhiều tiềm năng như thuỷ điện, chế biến nông- lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng; khuyến khích huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và các ngành dịch vụ; định hướng phát triển các vùng kinh tế của tỉnh (vùng động lực; vùng vành đai kinh tế; vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng). Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo, định canh định cư. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII (nhiệm kỳ 2005-2010) gồm 49 đồng chí. Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII gồm 13 đồng chí; đồng chí Hà Sơn Nhin được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Phạm Thế Dũng, Ksor Nham được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng gồm 12 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIII đã thành công tốt đẹp, với tinh thần: “Trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, đổi mới; tất cả vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đại hội kêu gọi toàn Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà; tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thách thức; huy động tối đa sức người, sức của, tài năng và trí tuệ, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.
Nguồn: ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI-TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI (1945-2020)