Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 13: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 22-5-2000 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XII được tổ chức trọng thể từ ngày 26 đến ngày 30-12-2000. Dự Đại hội có 300 đại biểu đại diện cho 17.491 đảng viên, sinh hoạt tại 647 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ. 

Tại Đại hội, đại biểu đã tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, tham gia thảo luận đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao bổ sung vào bản tổng hợp ý kiến góp ý các Văn kiện dự thảo trình Đại hội IX của Đảng. Đại hội tập trung thảo luận thông qua Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI chuẩn bị, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đối với quá trình xây dựng và phát triển trên tất cả các mặt đời sống xã hội ở địa phương trong nhiệm kỳ 1996-2000.

Đồng chí Ksor Phước-Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XII (nhiệm kỳ 2000 - 2005).
Đồng chí Ksor Phước-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XII (nhiệm kỳ 2000-2005).

Đại hội cũng đã thảo luận và thông qua Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), trong đó có kết quả kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kết quả chỉ đạo kiểm điểm đối với các tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy cơ sở và đảng viên. Đại hội tiếp tục nhấn mạnh giá trị sâu sắc của những bài học do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nêu ra, đặc biệt là không ngừng chăm lo, xây dựng, củng cố toàn bộ hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện; trong đó xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, mà cán bộ là vấn đề cốt tử. Định hướng mọi hoạt động của Đảng, chính quyền, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp phải sát dân, sát cơ sở. Tiếp tục và kiên quyết hơn trong lãnh đạo và tổ chức cuộc đấu tranh chống tham nhũng làm trong sạch Đảng và các cơ quan Nhà nước. Thực hiện cải cách hành chính và tinh giản biên chế trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Xây dựng chính quyền các cấp phải thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Đại hội thống nhất xác định mục tiêu của giai đoạn 2001-2005 nhằm chặn đà giảm sút về tăng trưởng kinh tế, đặt nền móng cho cả giai đoạn phát triển 10 năm (2001-2010), phấn đấu giảm dần khoảng cách về kinh tế-xã hội bằng việc phát huy tối đa nội lực kết hợp với tranh thủ có hiệu quả mọi nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kết hợp tăng trưởng kinh tế với giải quyết những vấn đề bức xúc về văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường; kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với không ngừng củng cố và tăng cường sức mạnh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu của giai đoạn 2001-2010:

Tăng trưởng nhanh về kinh tế, từng bước thu hẹp khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với mức trung bình của cả nước. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của công nghiệp-xây dựng, dịch vụ; tạo môi trường thuận lợi và ổn định cho các thành phần kinh tế hợp tác cạnh tranh cùng phát triển trong khuôn khổ pháp luật. Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 5%, cải thiện đáng kể điều kiện ở, học hành, chăm sóc sức khỏe, đi lại và từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân, đặc biệt chú ý vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Không ngừng tăng cường sức mạnh, thế và lực của nền quốc phòng toàn dân; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân; bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong mọi lĩnh vực; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
 
Mục tiêu của giai đoạn 2001-2005:

Phấn đấu tốc độ tăng GDP hàng năm đạt hơn 12%. Tập trung xây dựng có trọng điểm kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; khuyến khích phát triển mạnh tất cả các thành phần kinh tế; cơ bản xóa hộ đói, giảm hộ nghèo còn dưới 10%. Giải quyết căn bản những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực giáo dục, khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Tập trung củng cố mạng lưới y tế cơ sở xã, phường, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh tại các bệnh viện; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 35%, phòng và ngăn chặn các loại dịch bệnh nguy hiểm; tiếp tục nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa tinh thần, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các tệ nạn xã hội. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước các cấp. Mở rộng dân chủ, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chính trị-xã hội. Củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa không để nảy sinh, xuất hiện các điểm nóng về an ninh chính trị và trật tự xã hội. Xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Đại hội định hướng những giải pháp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển một số ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh, như: điện năng, chế biến nông, lâm sản, xây dựng một số khu công nghiệp tập trung. Phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là phát triển hệ thống thương mại với sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết. Ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi, lưới điện, bưu chính viễn thông, hệ thống cấp nước và đầu tư cho kết cấu hạ tầng xã hội, như: Giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, thể dục thể thao, khoa học công nghệ. Thực hiện chính sách phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh cổ phần hóa, bán, khoán cho thuê và đa dạng hóa hình thức sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý. Khuyến khích và hỗ trợ kinh tế hợp tác phát triển. Có chính sách khuyến khích kinh tế hộ và kinh tế trang trại phát triển theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Ksor Phước, Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội (nhiệm kỳ 2002 - 2007)
Đồng chí Ksor Phước-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI (nhiệm kỳ 2002-2007).


Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn; khắc phục cơ bản tình trạng phá rừng và mua bán, tranh chấp đất đai trái phép, không để người dân tộc thiểu số do mất đất sản xuất phải tái du canh, du cư. Tiếp tục thực hiện chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, từng bước phổ cập THCS ở thành phố, thị xã, thị trấn, trong các nông lâm trường và củng cố các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, người nghèo, gia đình chính sách. Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nếp sống mới ở khu dân cư; coi trọng các hoạt động bảo tồn, bảo tàng, tôn tạo các di tích lịch sử và các di sản văn hóa dân tộc. Ngăn chặn có hiệu quả các loại văn hóa phản động, đồi trụy. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công với nước, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện; thực hiện các chính sách bảo trợ trẻ mồ côi, người già neo đơn, nạn nhân chiến tranh, người tàn tật.

Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; chủ động có kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật, từng bước hoàn thiện thế trận phòng thủ và các phương án tác chiến. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về biên giới; phòng-chống bọn phản động lưu vong, các thế lực thù địch và bọn buôn lậu lợi dụng để gây phương hại đến lợi ích quốc gia. Kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế, bố trí dân cư gắn với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh và tăng cường sức mạnh quốc phòng-an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Đổi mới phương thức, nội dung công tác vận động quần chúng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kinh tế-xã hội; giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi vượt cấp. Xử lý nghiêm và kịp thời đối với những người tham nhũng, cố ý làm trái pháp luật và những sai phạm được phát hiện.

Về công tác xây dựng Đảng giai đoạn 2001-2005, Đại hội nhấn mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung nâng cao phẩm chất chính trị, phát huy bản chất và truyền thống cách mạng vốn có của Đảng bộ, kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, củng cố và tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ Đảng trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy mạnh mẽ vai trò và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đấu tranh chống các biểu hiện cơ hội, thực dụng cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, mất cảnh giác trong cán bộ, đảng viên. Đến năm 2020, có 50% tổ chức cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, trên 85% đảng viên đạt loại phát huy tác dụng tốt (loại I).

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII gồm 47 đồng chí. Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XII gồm 13 đồng chí; đồng chí Ksor Phước được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Đỗ Tiến Hoàng và đồng chí Nguyễn Vỹ Hà được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng gồm 13 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết.

Với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương và trách nhiệm cao trước Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Đại hội đã thành công tốt đẹp. Đại hội bày tỏ quyết tâm phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường; đồng thời, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy nhanh quá trình khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tiếp tục đổi mới về chất, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, đổi mới cơ chế quản lý, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong toàn Đảng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, từng bước đưa Gia Lai trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, trong lành và bền vững về môi trường, vững mạnh về chính trị và quốc phòng-an ninh.

Nguồn: ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI-TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI (1945-2020)

Có thể bạn quan tâm

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 6: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 6: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V

(GLO)- Từ ngày 23 đến ngày 30-10-1973, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ V họp tại làng Salam Vir, thuộc thị trấn Dân chủ, khu 10. Dự Đại hội có 169 đại biểu thay mặt hơn 5.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trên cơ sở thảo luận, quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 về cách mạng miền Nam, Đại hội đã đánh giá những thành tích và khuyết điểm, thiếu sót về sự lãnh đạo của Đảng bộ, chỉ đạo của Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ công tác vừa qua (1971-1973).
Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 5: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 5: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV

(GLO)- Thực hiện Thông tri số 274-TT/TW, ngày 4-9-1971 của Ban Bí thư Trung ương về “Hướng dẫn thêm về việc mở Đại hội Đảng các tỉnh, thành và huyện, thị“, từ ngày 14 đến ngày 24-9-1971, tại làng Kon Tơmok, xã Đakhleh, khu 1 đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV. Đại hội có 126 đại biểu thay mặt cho 4.544 đảng viên trong toàn Đảng bộ về dự.
Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 3: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 3: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II

(GLO)- Từ ngày 12 đến ngày 22-7-1965, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II được tổ chức tại xã Đak Kơpiar (khu 10). Tham dự Đại hội có 67 đại biểu chính thức, 20 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 2.321 đảng viên, 147 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ.
Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 2: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 2: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I

(GLO)- Qua 5 năm (1954-1959) lãnh đạo đấu tranh, xây dựng, phát triển, Đảng bộ có những bước trưởng thành vượt bậc. Được sự chỉ đạo của Liên khu ủy V, tháng 12-1959, tại Đak Hlôh (khu 2), Tỉnh ủy Gia Lai quyết định mở Hội nghị đại biểu (được cấp trên chuẩn y như Đại hội), gồm 45 đại biểu được chỉ định từ các Đảng bộ khu và chi bộ trực thuộc. Đại hội đã kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ từ sau Hiệp định Giơnevơ (tháng 7-1954) đến cuối năm 1959 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng.
Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội: Đại hội đầu tiên

Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội: Đại hội đầu tiên

(GLO)- Lời Tòa soạn: Ngày 1-10-1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập tại thị xã Pleiku. Đây là tiền thân của Đảng bộ tỉnh Gia Lai ngày nay. Trong 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã trải qua 15 kỳ đại hội (chưa kể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên vào năm 1949). Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Báo Gia Lai lần lượt giới thiệu tóm tắt nội dung các kỳ đại hội.