Đắk Lắk: Tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, công tác phân luồng tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh được cơ quan chức năng triển khai sâu rộng đến các khu vực vùng sâu, vùng xa. Nhiều em học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9 hoặc lớp 12 đã chọn lựa học nghề để tìm cho mình một công việc phù hợp thay vì thi vào đại học để lấy tấm bằng cử nhân... 
Nhiều sinh viên, học viên đào tạo ở hệ cao đẳng, dạy nghề ở Đắk Lắk sau khi tốt nghiệp đã tìm được công việc phù hợp. Ảnh: Bảo Trung

Nhiều sinh viên, học viên đào tạo ở hệ cao đẳng, dạy nghề ở Đắk Lắk sau khi tốt nghiệp đã tìm được công việc phù hợp. Ảnh: Bảo Trung

Quyết định đúng đắn

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đắk Lắk: Năm 2022, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ lao động tại địa phương qua đào tạo đạt 62% đạt kế hoạch đề ra, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 20,89% kế hoạch.

Trong năm qua, các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trường dạy nghề... tại địa phương đã tuyển mới được 34.615 học viên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, đạt 88,99% kế hoạch năm. Trong đó, phân chia theo các trình độ như: Cao đẳng với 1.244 người, trung cấp là 2.050 người và sơ cấp khoảng 14.291 người. Đặc biệt, đối với hệ đào tạo dưới 3 tháng, các cơ sở nhận được 17.030 người nộp hồ sơ.

Em N.T.V (SN 2001, phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột) cho biết: “Thời điểm em vừa tốt nghiệp cấp 3, em rất phân vân giữa việc học đại học hay cao đẳng nghề. Phần vì em muốn tìm kiếm cho mình một cái nghề mưu sinh thay vì cầm bằng cử nhân lận đận gõ khắp các cửa xin việc, rất khó nhọc lại tốn kém. Qua tham khảo nhiều anh chị học đại học ra trường xin việc quá vất vả, nên em quyết định đi học nghề ở một trường cao đẳng trên địa bàn.

Sau 3 năm đào tạo, em đã vào sửa máy tính, làm dịch vụ cài phần mềm cho một doanh nghiệp tư nhân ở TP Buôn Ma Thuột. Công việc này lương khá ổn định, mỗi lần bảo trì sửa chữa máy móc còn được khách hàng vui vẻ cho thêm, tổng thu nhập bình quân từ 8 đến 9 triệu đồng, đủ trang trải chi phí cuộc sống. Đến hôm nay em vẫn không ân hận về quyết định bỏ đại học đi học nghề của mình, thậm chí còn cảm thấy đúng đắn”.

Ông Y Khoa Niê Kđăm - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên - cho biết: “Trong năm học mới, nhà trường tuyển sinh được khoảng 700 em. Những ngành nghề được các em ưu tiên chọn lựa gồm công nghệ ôtô, thú y, điện, tin học hoặc may mặc. Số sinh viên ra trường đa phần đi xin việc thành công ở các doanh nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh hay thậm chí vay vốn mở cơ sở làm riêng... Nhận thức của phụ huynh học sinh đang có chuyển hướng dần từ việc học đại học sang học, đào tạo nghề để kiếm một công việc phù hợp”.

Chế độ ưu đãi thu hút học sinh

Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH) tỉnh Đắk Lắk - đánh giá: “Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề ở địa phương thời gian vừa qua được triển khai rất tốt. Việc định hướng, tuyên truyền được làm ngay tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, thu hút rất đông các em học sinh tìm hiểu, tham gia.

Nhiều em học sinh một phần do năng lực không đủ để học tiếp lên THPT, đại học hoặc gia đình khó khăn đã chọn lựa đi học nghề, xem đó như giải pháp để định hướng tương lai. Các em sau khi học hết lớp 9 mà đi học cao đẳng, trung cấp, nghề sẽ được miễn học phí. Nhận thấy chính sách ưu đãi tốt như vậy, nhiều em đã chọn lựa học nghề thay vì chọn theo tiếp những cấp cao hơn. Minh chứng là trong những năm gần đây số lượng sinh viên, học viên đăng ký vào các trường cao đẳng, dạy nghề tăng cao liên tục”.

Vừa qua, trong hai ngày 16 và 17.3, Sở LĐTBXH đã phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Lắk tổ chức Chương trình tuyên truyền, tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS tại 6 điểm trường của hai huyện Cư M’gar và Krông Ana với hơn 1.100 học sinh và phụ huynh học sinh khối THCS tham gia.

Các em học sinh và phụ huynh đã được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư vấn, thông tin về các ngành nghề đào tạo, vị trí việc làm, nhu cầu xã hội về các ngành nghề trong tương lai; các chính sách ưu đãi, chế độ của Nhà nước khi tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp; chính sách, chế độ, đối tượng thụ hưởng đối với từng ngành nghề…

Trong năm 2022, tỉnh Đắk Lắk tuyển sinh và đào tạo giáo dục nghề nghiệp được hơn 40.000 học viên.

Có thể bạn quan tâm