Đắk Lắk: Kỳ công trồng thứ cây ra hạt đỏ chót, bán đắt như vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vài năm trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn đầu tư trồng xen cây dổi ghép lấy hạt trong các vườn cây, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao.
Anh Vàng Chiến (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) được biết đến là một trong những người tiên phong trồng cây dổi tại địa phương.
Qua tìm hiểu mô hình trồng dổi lấy hạt của một số người dân ở các tỉnh phía Bắc cho hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2014, anh Chiến đã đặt mua cây dổi ghép từ Hòa Bình trồng xen vào 6 sào cà phê của gia đình. Sau 3 năm, cây dổi đã cho thu bói. Hiện, 80 cây dổi của anh đang cho thu hoạch. 
Vườn dổi ghép của gia đình anh Vàng Chiến (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Vườn dổi ghép của gia đình anh Vàng Chiến (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Vụ mùa năm ngoái, gia đình anh Chiến thu được 6 tạ hạt dổi khô. Với giá bán 1,4 triệu đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu lãi 800 triệu đồng. Năm nay, dổi khá sai quả nên anh ước tính sản lượng đạt khoảng 1 tấn hạt. Ngoài thu hoạch hạt dổi, từ năm 2019 anh Chiến còn ươm và ghép cây dổi để bán ra thị trường với giá 60-70 nghìn đồng/cây. 
Theo anh Chiến, dổi vốn là giống cây lâm nghiệp nên rất dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc, bảo vệ. Người trồng chỉ cần bón phân chuồng hoai mục một lần trong năm và cung cấp đầy đủ nước cho cây, nhất là vào thời điểm ra hoa đậu quả.
Dổi ghép trồng đến năm thứ 3 đã cho quả bói (dổi thực sinh phải mất từ 7-8 năm) và năm thứ 4 bắt đầu cho thu chính. Càng lâu năm, năng suất dổi càng cao, mỗi cây có thể cho thu hoạch từ 5-10 kg hạt dổi khô.
Người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phơi hạt dổi.
Người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phơi hạt dổi.
Được biết, không chỉ riêng gia đình anh Chiến mà hiện có khoảng 30 hộ trên địa bàn xã Ea Kao đã có nguồn thu nhập cao từ mô hình trồng cây dổi lấy hạt này.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kao Trương Công Hòa cho biết, từ cuối năm 2014, cây dổi được một số hộ dân người Mường tại thôn Cao Thắng trồng thử nghiệm tại các vườn cây. Bước đầu cho thấy cây dổi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên phát triển tốt, ít sâu bệnh và đạt năng suất khá cao.
Mỗi năm, cây dổi cho thu hoạch hai vụ (vụ phụ từ tháng 2 đến tháng 4 và vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10). Với giá bán dao động từ 1-1,4 triệu đồng/kg hạt khô như hiện nay, cây dổi đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây dổi mang lại, một số hộ dân ở các huyện như Cư Kuin, Krông Năng, Ea Kar, Ea H’leo…cũng đã lựa chọn trồng xen cây dổi trong vườn cà phê, cây ăn quả nhằm tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích đất.
Đơn cử như hộ ông Hoàng Văn Xá (xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đã trồng xen cây dổi trên 1 ha đất trồng cà phê và bơ của gia đình từ năm 2015. Với 120 cây dổi, mỗi năm cho thu khoảng 2 tạ hạt dổi khô đã đem lại cho ông nguồn thu gần 200 triệu đồng. Trước đây, khi chưa trồng xen dổi, lợi nhuận mà ông thu được từ vườn cây chỉ đạt hơn 100 triệu đồng/năm.
Hạt dổi có mùi rất thơm, hăng nhẹ, được người dân vùng núi phía Bắc sử dụng làm gia vị chấm, ướp một số món đặc sản như thịt trâu, bò gác bếp, các món nướng… Ngoài ra, hạt dổi còn được xem là một vị thuốc quý dùng để chữa bệnh xương cốt và hỗ trợ điều trị các vấn đề tiêu hóa.
Theo Tuyết Mai (Báo Đắk Lắk/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm