Đó là khẳng định của Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức sáng nay, 24/9.
Phiên giải trình sáng nay |
Phát biểu tại phiên giải trình, ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết theo báo cáo của 58 địa phương, năm học 2015 – 2016 biên chế được giao của ngành giáo dục là 1.165.625 người.
Năm học 2017-2018 biên chế được giao là 1.177.990 người, tăng 12.365 người so với năm học trước.
Năm học 2018-2019, biên chế được giao là 1.191.376 người, tăng trên 13.000 so với năm học trước.
Ông Thăng cũng cho hay, có 28 địa phương đề nghị bổ sung 40.447 biên chế cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2018, bao gồm cả tăng biên chế do tăng dân số cơ học.
Tuy nhiên, tại phiên giải trình, các đại biểu đều rất bức xúc về vấn đề thừa thiếu giáo viên của ngành giáo dục.
Phận giáo viên hợp đồng
Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận, báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy các tỉnh đề xuất số biên chế đề nghị bổ sung là 40.447 giáo viên. Việc thiếu số lượng giáo viên lớn thế này sẽ dẫn đến việc phải hợp đồng giáo viên để dạy.
“Tôi giám sát thực tế vấn đề này thì thấy hợp đồng giáo viên rất bất cập. Chủ yếu giáo viên dạy theo tiết học. Mỗi tiết học, giáo viên chỉ được mấy chục nghìn. Có giáo viên được 35.000đ/tiết học, số tiền này tùy từng cấp học. Với giáo viên mới ra trường được hợp đồng mà làm nhiệm vụ ở phòng thí nghiệm thì chỉ được 2.100.000đ/tháng” – Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương chỉ rõ.
Cũng theo vị đại biểu này, rõ ràng chính sách này rất bất cập so với giáo viên biên chế và nhất là giáo viên biên chế lâu năm thì lương rất cao. Chính vì vậy dẫn đến tâm lý các trường muốn giữ biên chế lại để hợp đồng giáo viên. Có ngân sách nhưng giữ lại để cho vấn đề khác.
Bà Hương một lần nữa khẳng định chính sách hợp đồng này rất bất cập và rất tội nghiệp cho giáo viên. Với những giáo viên này, hè không có lương. Tính ra mỗi tháng họ chỉ được vài triệu đồng, hoặc 2 triệu đổ lại, có giáo viên chỉ được hơn 1 triệu/tháng.
Vì muốn có công việc nên vẫn đi dạy. Thậm chí có trường hợp năm nay có hợp đồng, hoặc học kỳ I được hợp đồng nhưng qua kỳ II hoặc năm sau lại không được hợp đồng.
“Thế là tạo ra tâm lý có việc làm phải “chạy”. Tôi chưa nêu hết cái khó, cái khổ của những giáo viên này. Tôi muốn hỏi hai Bộ tại sao có chính sách hợp đồng giáo viên như vậy? Chính sách hợp đồng giáo viên như vậy có phù hợp với lại ngành giáo dục hay không? Vì giáo dục học sinh phải có một quá trình, theo dõi tâm lý, chất lượng của học sinh để có biện pháp uốn nắn. Vậy việc hợp đồng giáo viên như vậy Bộ có thấy phù hợp với ngành hay không? Tôi muốn hỏi bộ xem bộ nhận định như thế nào về vấn đề này? Bộ có giải pháp nào để khắc phục vấn đề này?” – Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương bức xúc.
Trả lời bức xúc của đại biểu Mỹ Hương về giáo viên hợp đồng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Duy Thăng khẳng định theo quy định của pháp luật, từ năm 2015 về trước, biên chế sự nghiệp là giao cho UBND các tỉnh. UBND các tỉnh trên cơ sở quy định định mức của các ngành, lĩnh vực thì UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định biên chế sự nghiệp. Cho nên, các đại biểu có hỏi tại sao có hợp đồng, tại sao có thừa thiếu tất cả là đều trước 2015.
Cũng theo ông Thăng, quy định của Luật viên chức, tuyển dụng phải công khai minh bạch. Ai có đủ điều kiện, nhu cầu thì đăng ký. Chứ không phải chỉ thi tuyển cho những người làm hợp đồng nên giáo viên hợp đồng thi không đỗ, không đạt tạo ra sức ép gây dư luận rất phản cảm. Ông đề nghị các địa phương, Bộ GD&ĐT cùng bộ Nội vụ chấn chỉnh vấn đề này.
Nghiêm Huê (TPO)