Sáng 11-4, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách góp ý vào Dự án Luật Đầu tư công. Dự án Luật được kỳ vọng khi thông qua sẽ phát huy hiệu quả, tránh việc đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự hội nghị.
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. |
5 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau là khái niệm về đầu tư công, dự án đầu tư công; phân cấp chủ chủ trương đầu tư, kế hoạch đầu tư, cũng như việc công khai minh bạch, giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công.
Góp ý vào Dự án Luật này, đa số các đại biểu tập trung vào việc bổ sung các quy định, điều khoản nhằm nâng cao hiệu quả dự án đầu tư, trách nhiệm của người quyết định dự án đầu tư, cũng như tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công.
Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Đoàn Bình Phước, Dự thảo Luật cần bổ sung Điều 12 về quản lý đầu tư công theo “nguyên tắc đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư” và quy định chặt chẽ hơn đối với việc đánh giá hiệu quả cuối cùng của dự án, cũng như công khai đánh giá này. “Bởi vì lâu nay việc đầu tư nhiều dự án hiệu quả, nhưng cũng không ít dự án đầu tư còn lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp. Cho nên tôi nghĩ đây là nguyên tắc đầu tiên, xuyên suốt tất cả các vấn đề trong luật”, đại biểu Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đa số đại biệu đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Dự án Luật này nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát trong các dự án đầu tư công. Theo đại biểu Thân Đức Nam, Dự án Luật cần làm rõ khái niệm đầu tư công vì đây là các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước và đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân khi quyết định đầu tư sai, gây thất thoát.
Đại biểu Thân Đức Nam lấy ví dụ về việc các Khu công nghiệp xây xong rồi bỏ hoang hiện nay thì ai chịu trách nhiệm? Đại biểu Thân Đức Nam đề nghị: “Cần có chế tài đối với các cá nhân, tổ chức đưa ra quyết định đầu tư sai, gây lãng phí. Ví dụ một địa phương đưa ra quyết định đầu tư sai mục đích tthì có thể bị cắt nguồn vốn đầu tư trong một số năm tiếp theo. Luật có nhiều chế tài ngăn chặn đầu tư lãng phí, nhưng chế tài chưa đủ mạnh”.
Nhiều đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung quy định, cơ chế giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư, như vậy sẽ vừa nâng cao hiệu quả dự án đầu tư, vừa củng cố lòng tin của nhân dân. Đại biểu Ngô Văn Minh- Đoàn Quảng Nam nói: “Tôi đề nghị cần quy định chặt chẽ và tốt hơn nữa, không chỉ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà cả các tổ chức chính trị xã hội khác. Hội cựu chiến binh cũng làm rất tốt việc này, chưa nói tới cơ chế giám sát cộng đồng. Để thực hiện chủ trương đầu tư và quyết định dự án đầu tư, tôi đề nghị xây dựng cơ chế lấy ý kiến của nhân dân, họ không đồng ý thì xử lý như thế nào?”.
Góp ý vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm về quyết định đầu tư dự án và quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung từng điều khoản cụ thể liên quan tới các khái niệm này, nhất là cơ chế, điều khoản liên quan tới việc xử lý trách nhiệm của cá nhân quyết định đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu để Dự án Luật được thông qua phù hợp với quy định của Hiến pháp, đạt chất lượng, hiệu quả.
Theo VOV