Đặc sản Gia Lai hút khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tham gia Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 có hơn 50 gian hàng giới thiệu đặc sản nổi tiếng của núi rừng Gia Lai. Đây không chỉ là điểm nhấn hấp dẫn du khách đến tham quan, mua sắm mà còn là cơ hội quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm địa phương.
Nhiều sản phẩm “độc, lạ”
Được bố trí tại đường Anh hùng Núp, đối diện Quảng trường Đại Đoàn Kết, khu giới thiệu sản phẩm địa phương đã thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, mua sắm. Tỉ mẩn sắp xếp lại từng món hàng, anh Trần Văn Công-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (huyện Chư Pưh) hào hứng giới thiệu: “Gian hàng có đến hàng chục mặt hàng nông sản an toàn của huyện như: mủ trôm, tinh dầu bơ, tinh dầu sả, măng le, rượu đinh lăng… Chúng tôi hy vọng thông qua lễ hội này sẽ có nhiều khách hàng, đối tác đến mua sắm, tìm hiểu hoặc hợp tác phân phối tiêu thụ sản phẩm”.
 Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih chơi nhạc phục vụ khách tham quan. Ảnh: Dã Quỳ
Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih chơi nhạc phục vụ khách tham quan. Ảnh: Dã Quỳ
Nằm giữa trung tâm khu giới thiệu sản phẩm địa phương, gian hàng của huyện Ia Grai khá thu hút bởi hình ảnh cây nêu và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như: đàn trưng, chuông gió, thổ cẩm và nhiều sản phẩm mây tre đan. Tự tay chơi một bản nhạc phục vụ khách tham quan, Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih còn nhiệt tình giới thiệu cho khách về các loại nhạc cụ. Anh chia sẻ: “Không chỉ giới thiệu đến du khách những sản phẩm độc đáo của người dân địa phương, chúng tôi còn mong muốn bạn bè quốc tế biết đến nét đẹp trong văn hóa dân gian của dân tộc mình”.
Có lẽ ấn tượng hơn cả chính là gian hàng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm, mây tre đan của huyện Kbang bởi sự tinh xảo. Nhìn đường nét cách điệu trên từng chiếc túi, bộ quần áo thổ cẩm, nhiều người không khỏi thán phục tay nghề của những người phụ nữ Bahnar. Không những thế, trên mỗi sản phẩm đều ghi rõ tên, địa chỉ của nghệ nhân, chất liệu dệt và thậm chí cả thời gian thực hiện, hoàn thành sản phẩm. Chị Trần Thị Bích Ngọc-đại diện gian hàng huyện Kbang-chia sẻ: “Mong ước lớn nhất của chúng tôi là được quảng bá đến du khách sản phẩm thổ cẩm do bà con làm ra, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc”.
Cách đó không xa là gian hàng rượu ghè Tuyết. Dù đã bước sang tuổi 75 song bà Đinh Thị HPhiên vẫn không ngại đường xa từ huyện Đak Pơ lên TP. Pleiku để trực tiếp giới thiệu sản phẩm rượu ghè. “Tôi làm nghề này lâu lắm rồi. Rượu ghè của gia đình được rất nhiều khách tận TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng đặt hàng”-bà HPhiên chia sẻ. Kế đến là gian hàng chuối mồ côi (còn gọi là chuối vảy rồng) của anh Trần Công Đình (xã Ia Kreng, huyện Chư Pah). Anh Đình cho biết, để du khách dễ hình dung về chuối mồ côi, anh phải cùng bà con vào rừng tìm cho được buồng chuối đẹp nhất về trưng bày tại gian hàng. “Loại chuối này rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, có thể ngâm rượu hoặc rang lên nấu nước uống”-anh Đình giới thiệu.
Cơ hội quảng bá, kết nối giao thương
Nhiều gian hàng trưng bày hàng hóa bắt mắt, có cả nguyên liệu để khách tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Lê Lan
Nhiều gian hàng trưng bày hàng hóa bắt mắt, có cả nguyên liệu để khách tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Lê Lan
Thích thú dạo một vòng quanh khu giới thiệu sản phẩm, bà Nguyễn Thị Thọ-một du khách đến từ Hà Nội-tỏ ra khá ngạc nhiên trước nhiều sản phẩm “độc, lạ” của Gia Lai: “Ở đây có nhiều sản phẩm hấp dẫn quá, nhất là món cá lá é của đồng bào (bày bán tại gian hàng thị xã Ayun Pa-P.V), cũng là cá trích khô bình thường mà sao người dân có thể chế biến thành món ăn thật thơm ngon đến vậy”. Cũng ấn tượng với nhiều đặc sản của Gia Lai, ông Moeng Simeath-một du khách đến từ tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) nói: “Gia Lai có nhiều mặt hàng nông sản chất lượng. Tôi hy vọng những sản phẩm này sẽ được bày bán ở Ratanakiri để chúng tôi có thể mua thường xuyên”. Trong khi đó, nhiều du khách khác lại thích thú nếm thử các sản phẩm như: mủ trôm, cà phê, heo gác bếp, rượu chuối... để mua về làm quà, hoặc chụp ảnh lưu niệm bên các cửa hàng cà phê, đồ gỗ mỹ nghệ.
Đặc biệt, dịp này, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng tìm được đối tác phân phối sản phẩm. Bà Trần Thị Hoàng Anh-chủ trang trại Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai) cho biết: “Một số khách hàng tại Hà Nội đến tham quan, mua hàng và hứa sẽ hợp tác phân phối sản phẩm của trang trại. Trong đó, sản phẩm mật ong đóng gói nhỏ (stick) tiện lợi của trang trại được rất nhiều khách quan tâm. Hiện đã có khách hàng đến từ Hàn Quốc hẹn sẽ quay lại làm việc cụ thể vào tuần sau”. Còn bà Dương Thị Phương Lan-Giám đốc Công ty TNHH Hachi Gia Lai thì phấn khởi khoe: “Ngay trong dịp lễ hội, Công ty đã ký kết với một đối tác Campuchia để phân phối sản phẩm tại các siêu thị ở đất nước Chùa tháp”.
Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Yamaha Grande cập nhật nhiều màu sắc mới cho phiên bản 2025

Yamaha Grande cập nhật nhiều màu sắc mới cho phiên bản 2025

(GLO)- Yamaha Grande 2025 đã chính thức trở lại với loạt màu sắc mới cực kỳ ấn tượng. Đặc biệt, phiên bản giới hạn hứa hẹn sẽ làm hài lòng những tín đồ thời trang, mang đến một làn gió tươi mới cho thị trường xe tay ga. Giá bán lẻ đề xuất của phiên bản giới hạn là trên 51,6 triệu đồng.