Cùng lúc, người dân Đắk Lắk đối mặt nhiều dịch bệnh truyền nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 6-9, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết: Chưa năm nào dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lại diễn biến hết sức phức tạp như trong mùa mưa năm nay ở Đắk Lắk. Ngoài dịch Covid-19, dịch bạch hầu đến nay trên địa bàn tỉnh lại ghi nhận các bệnh nhân mắc bệnh dại, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B… Cùng một thời điểm “dịch chồng dịch” xảy ra tại nhiều địa phương khiến người dân hết sức lo lắng.

Một khu vực cách ly phòng chống dịch bạch hầu tại Đắk Lắk.
Một khu vực cách ly phòng chống dịch bạch hầu tại Đắk Lắk.
Bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản B mới phát hiện gần đây nhất là bệnh nhân Y.N.B. bảy tuổi, dân tộc Ê đê, ở buôn Cư Păm, xã Dang Kang, huyện Krông Bông.
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 15-8, cháu bé có biểu hiện sốt, ho, gia đình tự mua thuốc về cho uống nhưng không đỡ. Đến ngày 24-8, cháu bé tiếp tục sốt cao, đi cầu phân lỏng nên được gia đình đưa đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Krông Bông. Sau đó cháu bé được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán TD viêm não màng não/TD shock nhiễm trùng nhiễm độc.
Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Viện Vệ sinh dịch Tây Nguyên xác định cháu bé dương tính với viêm não Nhật Bản B. Hiện, cháu vẫn đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. 
Theo điều tra dịch tễ của ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk cho thấy, bệnh nhân Y.N.B không tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, không đi đâu xa trong ba tuần trước khi mắc bệnh, chung quanh gia đình bệnh nhân không có trường hợp nào mắc bệnh tương tự. Điều tra véc-tơ tại nhà bệnh nhân ghi nhận sự hiện diện của muỗi Culex là loại muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản B và kiểm tra tại năm hộ gia đình phát hiện ba gia đình có năm ổ bọ gậy…
Ngay sau khi ghi nhận cháu Y.N.B mắc viêm não Nhật Bản B, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông phối hợp Trạm Y tế xã Dang Cang tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường khu vực chung quanh nhà bệnh nhân; tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản B, thực hiện vệ sinh môi trường, loại bỏ lăng quăng, bọ gậy… để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản B và dịch sốt xuất huyết… 
Như vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận bốn trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B Ea H’Leo, Ea Kar, Krông Bông và M’Đrắk. Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người lớn và trẻ em do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra. Đây là căn bệnh truyền nhiễm hết sức nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

 Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường phòng, chống dịch bạch hầu, sốt xuất huyết tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột.
Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường phòng, chống dịch bạch hầu, sốt xuất huyết tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột.
Ngoài các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nêu trên, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đang khuyến cáo người dân chủ động và tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyện, bệnh dại, nhất là trong thời điểm nắng nóng hiện nay, bởi từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có sáu trường hợp tử vong vì bệnh dại và ghi nhận hàng trăm bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong khi đó, tình trạng người dân ở Đắk Lắk vẫn còn thói quen nuôi chó, mèo nhưng không quản lý, thả rông trong khu dân cư, ngoài đường, đặc biệt nhiều người chưa chú trọng đến việc tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo khiến nhiều người dân bức xúc.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có khoảng hơn 400 nghìn con chó, nhưng trung bình mỗi năm chỉ tiêm được hơn 50 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh. Tỷ lệ đàn chó nuôi được tiêm phòng thấp cùng với tâm lý thờ ơ, chủ quan của người dân với bệnh dại cũng như dịch sốt xuất huyết dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân khiến các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gia tăng là do hiện nay thời tiết, khí hậu có nhiều sự biến đổi, diễn biến khó lường, nguy cơ xảy ra mưa lũ, ngập lụt kéo dài. Cùng với đó, sự giao lưu đi lại giữa các tỉnh ngày càng thuận lợi, trong khi đó, Đắk Lắk là tỉnh có địa bàn rộng lại nằm ở khu vực trung tâm vùng Tây Nguyên, dân số đông hơn 1,9 triệu người. Đồng bào dân tộc thiểu số  trong tỉnh chiếm 35%, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp.
Do cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, người dân chỉ tập trung lo mưu sinh mà chưa chú trọng đến vệ sinh môi trường sống. Vì vậy, dự báo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh truyền nhiễm xâm nhập, lây lan và bùng phát thành dịch trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

 Ngành y tế về tận các thôn, buôn vùng sâu tuyên truyền người dân cách phòng, chống dịch bệnh truyền truyền.
Ngành y tế về tận các thôn, buôn vùng sâu tuyên truyền người dân cách phòng, chống dịch bệnh truyền truyền.

Trước tình hình đó, cùng với việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang căng mình phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như dịch bệnh: bạch hầu, viêm não Nhật Bản B, sốt xuất huyết, bệnh dại...

Ngành y tế đã và đang tích cực, chủ động phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm, xét nghiệm tìm nguyên nhân khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra, lan rộng và kéo dài trên địa bàn tỉnh; tổ chức thu dung, cách ly, điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong do các bệnh truyền nhiễm, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn…
NGUYỄN CÔNG LÝ (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm