(GLO)- L.T.S: Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Nhân dịp Xuân mới Quý Tỵ, Gia Lai online phỏng vấn lãnh đạo một số ban Đảng Tỉnh ủy về vấn đề này.
- P.V: Xin đồng chí cho biết kết quả và ý nghĩa việc xử lý về mặt Đảng đối với cán bộ, đảng viên sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4?
Ông Ksor Keng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy:
Sau khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), có hai trường hợp phải xem xét, xử lý như sau:
Một là, xem xét, xử lý những khuyết điểm, vi phạm trong việc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 24-2-2012 của Bộ Chính trị. Tính đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 22 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (17 Huyện, Thị, Thành ủy; 5 Đảng ủy), 33 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (24 sở, ban, ngành, đoàn thể; 3 Ban Cán sự đảng và 6 Đảng đoàn) đã hoàn thành kiểm điểm tự phê bình và phê bình đúng tiến độ theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đạt yêu cầu (kể cả tập thể và cá nhân), không có trường hợp nào có khuyết điểm, vi phạm trong việc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải xem xét, xử lý như Chỉ thị của Bộ Chính trị (ở cấp cơ sở chưa có số liệu thống kê chính thức).
Hai là, xem xét, xử lý những khuyết điểm, vi phạm phát hiện qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo 3 nội dung đã nêu trong Nghị quyết. Theo quy định của Điều lệ Đảng thì “Tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời”. Do đó, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 lần này, nếu phát hiện tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật thì tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng theo đúng quy trình. Những vấn đề chưa rõ thì phải tiếp tục kiểm tra, làm rõ để cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy xem xét, quyết định.
Ở cấp tỉnh, sau Hội nghị kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng làm rõ được 4/8 vấn đề cụ thể, đó là: tình hình đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt đảng, không trình giấy sinh hoạt đảng đến nơi tiếp nhận, đảng viên tham gia tà đạo, đảng viên mê tín, dị đoan; kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công và đạo đức, lối sống đối với 1 đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện (đảng viên có vi phạm, đã xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, đồng thời chuyển công tác khác); xác minh, làm rõ trường hợp cán bộ đương chức của ngành Công an mê tín, dị đoan, tham gia các tà đạo và 1 trường hợp đảng viên nguyên là Chánh Văn phòng Trung tâm Xúc tiến đầu tư-Thương mại nhận hối lộ.
Còn lại 4/8 vấn đề cụ thể là: việc kê khai tài sản của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý và các biểu hiện cán bộ giàu lên nhanh chóng; về sai phạm trong thẩm định, triển khai các dự án đầu tư của tỉnh; trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan trong vụ đấu thầu thuốc tân dược tại Sở Y tế; quy trình, tính pháp lý của việc cấp lại giấy khai sinh của một đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và 5 nhóm vấn đề nổi cộm được Bộ Chính trị gợi ý, dư luận xã hội quan tâm như công tác quản lý đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý bảo vệ rừng, các tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, việc thực hiện các mục tiêu khi chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, làm rõ.
Đến nay, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã hoàn thành việc thẩm tra, xác minh quy trình, tính pháp lý của việc cấp lại giấy khai sinh (thực chất là việc cải chính hộ tịch) của một đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, xử lý. Đối với các nhóm vấn đề còn lại, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đang tập trung thẩm tra, xác minh làm rõ trong quý I-2013. Đối với cấp huyện và tương đương cũng như cấp cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tương tự như ở cấp tỉnh.
- P.V: Việc xử lý sau kiểm điểm thời gian tới là gì thưa ông?
Ông Ksor Keng: Như tôi đã trao đổi ở trên, sau khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ở Đảng bộ tỉnh, bên cạnh những vấn đề cụ thể có thể làm rõ ngay, cũng còn rất nhiều những vấn đề bức xúc, nổi cộm, thậm chí có những vụ việc phức tạp, đã kéo dài nhiều năm, do vậy cần phải có thời gian để thẩm tra, xác minh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh năm 2013, do đó sẽ tập trung chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, ban ngành có liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan không né tránh...”. Sau khi kiểm tra, làm rõ sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân của vi phạm để xem xét, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật của Đảng.
- P.V: Ông có thể cho biết một số nét cơ bản về công tác triển khai học tập quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 ở tỉnh ta?
Ông Thái Thanh Bình-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:
Xác định rõ tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4, dưới sự chỉ đạo khẩn trương, kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đã tập trung triển khai việc học tập quán triệt theo đúng kế hoạch đề ra. Đến tháng 6-2012 các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã hoàn thành việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, trong đó cấp tỉnh hoàn thành trong tháng 3, cấp huyện trong tháng 4 và cơ sở hoàn thành trong tháng 6-2012. Nhìn chung công tác chỉ đạo, triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo mục đích, yêu cầu.
- P.V: Theo ông, nhận thức về tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên có gì khác trước khi có Nghị quyết Trung ương 4?
Ông Thái Thanh Bình: Điểm nổi bật trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là mỗi tập thể và cá nhân khi đã nhận thức được khuyết điểm thì đều tiến hành sửa chữa, khắc phục ngay, không chờ đến khi tiến hành kiểm điểm. Trong quá trình kiểm điểm, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc như: quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ô nhiễm môi trường, chất lượng đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý bảo vệ rừng, các vụ việc khiếu nại phức tạp kéo dài; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, đánh giá cán bộ; vấn đề y đức, tình trạng một số bộ phận cán bộ suy thoái đạo đức, lối sống, quan liêu, xa dân... đã được đưa ra và tập trung giải quyết và bước đầu có kết quả.
Các tổ chức cơ sở đảng chấn chỉnh lại tổ chức, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, nâng cao nhận thức về nguyên tắc tập trung dân chủ, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm tại địa phương, đơn vị. Bản thân từng cán bộ, đảng viên, sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã nghiêm khắc với bản thân, thấy rõ tinh thần trách nhiệm của mình đối với công việc, đối với nhân dân, nhận rõ những thiếu sót khuyết điểm để đề ra các giải pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Những kết quả bước đầu mà Đảng bộ đạt được sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt thể hiện rõ nét trong việc tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tăng cường mối quan hệ với nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, giải quyết các bức xúc trong nhân dân đã tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc triển khai thực hiện Nghị quyết lần này.
Thùy Trang (thực hiện)