(GLO)- Việc chọn những loại trái cây độc và lạ, đồng thời mang ý nghĩa may mắn, sung túc để chưng Tết đang trở thành một xu hướng như dưa hấu hình thỏi vàng, bưởi hồ lô in chữ Tài-Lộc, lê hình nhân sâm… Và hiện tại, quả Phật thủ đang là lựa chọn hàng đầu trong những ngày này.
Quả Phật thủ không chỉ có mặt trong hàng trái cây mà được được bày bán ở quán cà phê, lề đường và trên các trang thương mại điện tử. Ảnh: Linh Hoàng |
Trong tín ngưỡng của người Việt, Phật giáo có một vị trí quan trọng trong niềm tin của mọi người. Dường như những gì liên quan đến Đức Phật thường được mọi người tôn thờ và kính trọng. Có lẽ do vậy mà quả Phật thủ từ lâu đã trở thành loại quả quen thuộc dùng để thờ hoặc lễ trong những ngày trọng đại, mùng Một, Rằm hay trên mâm ngũ quả ngày Tết vì hình dáng của quả Phật thủ rất giống bàn tay Phật. Là giống cây ăn quả thuộc chi cam chanh, được trồng nhiều ở khu vực phía Bắc. Hình dạng của quả rất độc đáo, trông giống như bàn tay Phật, phần trước mở, phân tách ra, nhìn giống ngón tay thuôn dài, phần sau lại giống bàn tay, vì vậy được gọi là Phật thủ (bàn tay Phật). Cùng với quan niệm thờ cúng bằng loại quả này sẽ đem lại cho gia chủ sự may mắn đã khiến quả Phật thủ ngày càng được ưa chuộng.
Nếu thời điểm này những năm trước, quả Phật thủ còn quá xa lạ với người dân Phố núi thì năm nay, đâu đâu cũng thấy quả Phật thủ. Quả không chỉ có mặt ở các chợ trái cây mà còn được bày bán ở khắp nơi, từ quán cà phê, lề đường và tràn khắp các trang thương mại điện tử. Chị Lan-một người bán Phật thủ trên đường Hoàng Văn Thụ (trước Ngân hàng BIDV) cho biết: “Hiện tại người dân rất chuộng chưng bàn thờ loại quả này, nhân dịp Tết tôi cũng tranh thủ lấy hàng về bán. Quả Phật thủ để được rất lâu nên thời điểm này, khi giá còn dễ chịu, người ta mua về để sẵn, bởi cận Tết giá sẽ mắc hơn rất nhiều”. Theo đó, hiện mỗi quả Phật thủ, tùy độ lớn nhỏ, đẹp xấu mà có giá từ 80.000 đồng-500.000 đồng/quả. Quả Phật thủ đẹp là quả to, cân đối, có nhiều ngón tay dài, tạo vòng tròn cân xứng, khối lượng trung bình từ 1 kg-2 kg/quả. Phật thủ được bày bán tại đây có nguồn gốc từ các nhà vườn ở Hà Nội và một vài nhà vườn ở khu vực miền Bắc.
Ảnh: Linh Hoàng |
Nếu như trong phong thủy, chiếc lư hương đồng hình quả Phật thủ có tác dụng may mắn, xua đuổi khí xấu thì quả Phật thủ cũng ý nghĩa tương tự. Do đó, quả Phật thủ trở thành sản phẩm không thể thiếu trong những dịp cúng lễ và mâm ngũ quả ngày Tết. Ngoài ý nghĩa về mặt phong thủy, quả và hoa Phật thủ đều được Đông y dùng làm thuốc. Theo Đông y, Phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chỉ thống, hóa đàm, dùng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau, chữa nấc, ăn vào nôn ngược trở ra, viêm khí quản mạn tính, ăn không tiêu, gan và dạ dày đau tức, chữa đau dạ dày do lạnh, chữa đau bụng do tỳ vị hư hàn, viêm gan truyền nhiễm, đau bụng kinh, giải say rượu…
Linh Hoàng