(GLO)- Từ thể thao phong trào cho đến đỉnh cao đều cần lắm những “ông bầu”. Đội tuyển của xã có… “bầu xã”, huyện có… “bầu huyện”, tỉnh có… “bầu tỉnh”. Còn ở huyện Đak Đoa, khi nhắc đến “Tám Trình”- biệt danh của anh Nguyễn Trình (thôn 3, xã Tân Bình), ai ai cũng biết đó là người nặng lòng với phong trào thể thao cơ sở.
Ông Nguyễn Trình trên sân bóng chuyền nhà mình. Ảnh: M.V |
1. Từ năm 1994 đến 2009, anh Nguyễn Trình công tác tại xã Tân Bình (huyện Đak Đoa) và đã có lúc giữ tới chức Phó Chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, vì lý do gia đình, để giữ trọn chữ hiếu với người cha già bị đau nặng, anh làm đơn xin nghỉ việc dành thời gian chăm sóc cụ. Tìm được một người mẫn cán với công việc đã khó, giữ được họ càng khó hơn. Thế nên phải gần 2 năm đệ đơn xin thôi việc, chính quyền địa phương mới giải quyết.
Suốt 15 năm làm cán bộ xã, đó cũng là quãng thời gian “Tám Trình” tình nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, góp phần giúp phong trào thể thao xã Tân Bình vươn tới đỉnh cao của thời kỳ hoàng kim. Anh Võ Tấn Tài-cán bộ văn hóa xã Tân Bình cho hay: “Tôi và Nguyễn Trình làm việc chung với nhau từ rất lâu. Ở con người này có một điều rất đặc biệt, hiếm ai có thể làm được. Đó là trong suốt khoảng thời gian 15 năm công tác tại UBND xã, hầu như ít khi anh... đưa tiền lương về cho vợ con. Số tiền này anh để dành cho công tác “khuyến thể” là chính. Lúc thì treo thưởng cho các đội thể thao xã thi đấu đạt thành tích cao tại các giải đấu do huyện tổ chức, lúc mua tặng đồng phục cho các vận động viên mặc tươm tất ra sân thi thố với các xã khác. Thậm chí, có đợt anh dùng tiền túi của mình tuyển cầu thủ về nhà nuôi, chờ ngày thi đấu…”-anh Võ Tấn Tài cho biết thêm.
Nói đến bóng đá ở huyện Đak Đoa, đội bóng của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xã Glar đã tạo dựng được một “thương hiệu” tiếng tăm, lẫy lừng trong cả nước. Không chỉ nhiều năm thống trị các sân chơi do huyện, tỉnh và quốc gia tổ chức, đội tuyển trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xã Glar, còn nhiều năm liền đại diện cho Việt Nam tranh tài tại các giải đấu quốc tế. Với mong muốn góp phần giúp đội tuyển xã mình cũng được dịp nếm hương vị chiến thắng ở môn thể thao vua, 12 năm về trước, anh Trình đã cưỡi xe máy chạy khắp tỉnh để tuyển “ngoại binh” về sống ở nhà mình, khoác áo đội tuyển xã. Kết quả là năm đó lần đầu tiên cúp vô địch thuộc về Tân Bình và người dân cả xã có dịp mừng công, rước cúp vàng vui như trẩy hội.
2. Là một vận động viên tay ngang, Nguyễn Trình chơi được nhiều môn thể thao khác nhau, nhưng không có môn nào nổi trội. Tuy nhiên về tinh thần thể thao cao ngút thì ở huyện Đak Đoa “Tám Trình” là người thuộc diện hiếm.
Sau khi giúp xã Tân Bình ẵm Cúp vô địch môn bóng đá, “Tám Trình” lên kế hoạch biến đội tuyển bóng chuyền nam và nữ của thôn 3, từ thân phận “đánh đâu thua đó”, thường xuyên nằm lẹt đẹt ở cuối bảng xếp hạng, trong một thời gian ngắn đã vươn lên mạnh mẽ, thường xuyên ngự trị ở tốp đầu. Để làm được việc đó, “Tám Trình” bàn với vợ đầu tư nâng cấp sân phơi cà phê thành 2 sân bóng chuyền bê tông phẳng lì. Rồi anh đục lỗ dựng trụ, mua lưới, thậm chí mắc cả bóng đèn cho bà con trong thôn chơi cả ngày lẫn đêm miễn phí từ suốt 4 năm nay.
Kể từ khi khai trương sân bóng chuyền “Tám Trình”, trừ lúc trời mưa hoặc vào vụ thu hoạch cà phê, trung hình mỗi ngày có tới 5 đội bóng chuyền, bao gồm cả già trẻ, gái trai tụ tập về đây tập luyện đều đặn. Nhờ đó mà một số tệ nạn xã hội của thôn 3 nói riêng và cả xã Tân Bình nói chung ngày một giảm đáng kể.
Vốn dĩ “đồng tiền đi liền khúc ruột”, phụ nữ suốt ngày phải lo cơm áo, gạo tiền… nên họ thường tính toán chi ly, kỹ lưỡng. Tôi hỏi: “Suốt 15 năm gần như chồng không đưa lương về nhà, lại phải làm sân phục vụ bà con chơi bóng chuyền miễn phí, là người vợ, chị có buồn không?”. Thật bất ngờ khi chị Nguyễn Thị Thanh Nga-vợ anh Nguyễn Trình trả lời: “Chẳng có chi mà buồn cả, gia đình tôi từ trước đến nay sống chủ yếu dựa vào mấy ha cà phê, nên làm được việc gì giúp bà con lối xóm, khi họ cảm thấy vui, đó cũng là lúc gia đình tôi cảm thấy hạnh phúc hơn cả. Tôi cảm thấy tự hào vì chồng làm được những việc như vậy”.
Nhận xét về anh Nguyễn Trình, ông Nguyễn Duy Lê-cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa nói: “Là một người đã từng nhiều năm lặn lội ở cơ sở, anh Trình thấu hiểu mọi khó khăn vất vả của các hoạt động phong trào. Bởi vậy khi thôn, xã, huyện… tổ chức các giải thể thao, nếu Ban tổ chức ngỏ lời, gia đình anh thường chia sẻ, đóng góp một phần kinh phí, trên tinh thần của ít lòng nhiều. Nếu huyện Đak Đoa có nhiều người như anh Trình, thể thao phong trào nơi đây sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Và mặc dù Đại hội Thể dục Thể thao huyện Đak Đoa năm 2017 còn khá lâu mới diễn ra, nhưng ngay bây giờ “Tám Trình” đang lên kế hoạch tuyển quân, thuê huấn luyện viên từ tỉnh về dẫn dắt đội tuyển thôn, xã của mình…
Minh Vỹ