Chuyện bếp lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bây giờ, bếp núc không còn là việc dành riêng cho phụ nữ. Các cuộc vận động “Bình đẳng giới”, “Vì sự tiến bộ phụ nữ” đã đem lại nhiều thành tựu. Kéo cánh mày râu vào bếp là một ví dụ. Vào bếp, tất nhiên là tiếp xúc với bếp. Bếp bây giờ là bếp gas, bếp điện, bếp từ với phong phú mẫu mã, đầy đủ chức năng, hiệu quả sử dụng “chuẩn không cần chỉnh”; chỉ qua một lúc là sử dụng được ngay, chẳng có gì phải nói. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi bếp ngày cũ, những chiếc bếp có kiểu dáng, kích cỡ, chất liệu đầy tính sáng tạo tương thích với nguyên liệu chất đốt, đáp ứng nhu cầu nấu nướng.

Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG


Đầu tiên là bếp lò-sản phẩm từ đất nung, chất đốt là than hoa, than củi. “Cục đất nặn ra (thành) ông Táo”, câu tục ngữ nhiều ẩn nghĩa. Ngày trước, ông Táo được thần thánh hóa từ lúc ngự vào gian bếp cho đến khi thành phế phẩm. Bởi tín ngưỡng dân gian bái vật giáo truyền đời, ăn sâu bám rễ vào nhận thức dân mình. Cách hiểu khác, đó là giá trị văn hóa truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Thế nên, chẳng ai nỡ/dám vứt ông Táo đã hết thời sử dụng lăn lóc mà tập trung một chỗ, dưới gốc cây cổ thụ, bụi duối dại giữa gò hoang chẳng hạn. Chốn ấy trở nên thiêng. Chập xẩm tối, đàn bà, trẻ con đố dám bén mảng. Nghịch phá như lũ chăn bò, thách đứa nào dám tiểu vào chứ nói gì… Quan niệm cái sự thiêng ấy qua rồi. Bây giờ thì… quên đi!


Ông Táo truyền thống phải có 3 chân, “vững như kiềng 3 chân” mà lại. Rất linh động, đôi khi chỉ là những viên đá hoặc gạch nung xếp chồng, đặt thành hình tam giác đều ở vuông đất trống bất kỳ trong vườn. Tất thảy lá khô, cành gãy, rạ rơm, củi gộc làm chất đốt, nấu chín cả nồi bánh chưng, bánh tét, nồi cám heo to tướng vẫn không lo khói vương, khói ám vào nhà.


Có một loại ông Táo 3 chân khá phổ biến làm bằng sắt, khung tròn bên trên, có 3 chiếc râu cách đều làm giá đỡ xoong nồi, nên mới có tên ông Ba Râu. Nó phù hợp cho nhiều loại chất đốt từ phế phẩm cây lương thực, cả củi que, củi chẻ. Người ta còn cải tiến, làm ra chiếc bếp đôi hình chữ nhật, có 6 chân, từng cặp chân cách đều nhau, dài chừng 60 cm, nấu được 2 thức món cùng lúc. Các loại bếp này hiện còn bày bán ở chợ quê, hàng dao rựa. Lý do là củi đuốc ở quê đã sẵn, tự tìm lấy; thức nấu như cám heo, cám bò nồi nào cũng to đùng thì gas, điện nào cho xiết!


Sử dụng được các loại bếp này chẳng đơn giản chút nào. Có hẳn một công đoạn, đầu tiên là nhóm lửa. Khi không sẵn lửa mồi, phải khéo léo cời tìm đóm than trong đống tàn tro cho vào nắm bùi nhùi rơm, và thổi hơi thật dài, thật tập trung qua ống thổi lửa, đúng vào đóm than để làm bùng lên ngọn lửa. Nguyên liệu dùng mồi lửa là những cọng tre, que chẻ mỏng đét, khô giòn nhanh bén lửa. Gặp phải mùa mưa, gian bếp lạnh, củi ẩm, nhóm lửa cực phải biết!


Duy trì, điều chỉnh ngọn lửa khi nấu cơm, thức ăn cần có kỹ năng, nhìn lâu quen mắt, làm lâu quen tay chứ lý thuyết suông thì đừng hòng. Gian bếp hẹp lùng bùng khói, mắt mũi cay sè, tay nào lùa rơm rạ vào, tay nào cầm chiếc que sắt đẩy bớt tro tàn ra, tay nào “cơm sôi bớt lửa”, tay nào gia vị thức ăn… Chỉ hình dung cũng đủ thấy người đứng bếp nhanh tay hơn cả ảo thuật gia chứ chẳng chơi. Khéo nấu đồng nghĩa với khéo lửa. Cho ra nồi cơm dưới đáy, quanh hông sém giòn, chín đều tận bên trên mà nồi thức ăn không bị hôi khói, thơm ngon như ý, thế mới tài!


Công bằng mà nói, cơm nấu lửa ngon hơn nấu nồi cơm điện. Ở phố bây giờ quý nhau mời nhau cơm niêu nhà hàng, kỳ thực có hơn gì cơm nấu bếp củi mà dân quê đã và đang từng. Người quê ăn uống sành điệu chứ bộ?!


Sẽ thiếu sót lớn nếu bỏ sót một loại bếp có cấu tạo gần giống như bếp than tổ ong một thời dân ta hay dùng, nhưng chất đốt lại là mùn cưa hay trấu càn (là đầu của hạt lúa, phân biệt với trấu vỏ lúa). Việc đầu tiên là đặt một ống tre hay vỏ chai thủy tinh, thường là vỏ chai bia Sài Gòn ở giữa, cho đầy mùn cưa/trấu càn vào. Bằng cách nào đó nén chúng thật chặt, rồi dùng tay khều/bới dần nguyên liệu đốt từ ô vuông tiếp giáp với đáy lò làm lỗ thông hơi, đến khi chạm vào ống tre/chiếc chai thì dừng. Nhẹ nhàng xoay, kéo dần ống tre/chiếc chai ra, thế đã hoàn thành công đoạn chuẩn bị lò đốt. Khi nấu, đặt ông Ba Râu phủ lên miệng lò. Lửa được nhen từ ô vuông. Chỉ từng thanh củi một được đưa vào từ ô vuông này cùng với mùn cưa/trấu càn, nhiệt lượng tỏa ra giúp nấu xong bữa cơm gia đình mà bếp vẫn còn rực nóng.


Những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, tôi học ở Hà Nội, thường lui tới nhà một thầy giáo. Một lần, thấy thầy chuẩn bị lò đốt, tôi xin phép được làm thay. Tôi làm nhanh và khéo lắm (nghề của chàng mà). Thầy khen, lấy làm ngạc nhiên vì đâu tôi làm được như vậy? Thì ra, sự sáng tạo của dân ta vẫn có điểm chung, không phân biệt người thủ đô hay dân nhà quê, trí thức hay gốc rạ! Sáng tạo để thích nghi là năng lực của con người, như làm ra những chiếc bếp chẳng hạn, để những bữa cơm gia đình luôn quây quần, đầm ấm.


Chắc hẳn còn nhiều loại bếp nữa mà tôi chưa biết. Không biết thì không nói, chắc chẳng ai nỡ chê trách.


NGUYỄN ĐÌNH PHÊ
 

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.