(GLO)- Những năm qua, các ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh Gia Lai tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng-chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và bình đẳng giới, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Thành (huyện Đak Pơ) tuyên truyền về phòng-chống BLGĐ và bình đẳng giới. Ảnh: Đinh Yến |
Bà Trần Thị Thu Hà-Phó Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng-chống BLGĐ trên cơ sở giới năm 2020 (tháng 11), Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh thường xuyên phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tuyên truyền các nội dung về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng-chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình; biểu dương những tập thể, cá nhân, gia đình tiêu biểu cũng như lên án những hành vi vi phạm pháp luật về phòng-chống BLGĐ. Ngoài ra, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Với tư cách thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, PBGDPL lưu động cho hàng ngàn cán bộ làm công tác PBGDPL ở cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 300 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện biên giới; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 500 tuyên truyền viên, người thực hiện công tác PBGDPL ở cơ sở tại các huyện: Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, thị xã An Khê và Ayun Pa; tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 650 hòa giải viên ở cơ sở tại các huyện: Đak Pơ, Kông Chro, Phú Thiện, thị xã An Khê và TP. Pleiku.
Trao đổi với P.V về nhiệm vụ này tại đơn vị mình, bà Phạm Thị Hoa-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh-cho biết: Hàng năm, Hội phối hợp cùng ngành liên quan triển khai các hoạt động chuyên môn, gắn với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Phối hợp giải quyết vay vốn tín chấp, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 19.412 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, giúp đỡ học nghề, tạo việc làm. Các cấp Hội phối hợp với ngành Y tế triển khai công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu có trên 95% số gia đình được tiếp cận thông tin về phòng-chống BLGĐ; trên 95% số nạn nhân BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; trên 95% số người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi và trên 90% xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình phòng-chống BLGĐ. |
Trong khi đó, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch thực hiện tốt việc lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án liên quan như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, “Chương trình hành động quốc gia về phòng-chống BLGĐ”, “Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam”; tuyên truyền, vận động và đưa các nội dung về bình đẳng giới vào việc xây dựng nội dung hương ước, quy ước thôn, làng.
Để nâng cao chất lượng hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới và phòng-chống BLGĐ, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị: Các sở, ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới. Xây dựng, triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới và phòng ngừa BLGĐ. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về phòng-chống BLGĐ với nội dung, hình thức phong phú, ưu tiên đối tượng là nam giới và những gia đình thuộc nhóm có nguy cơ cao xảy ra BLGĐ.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy, kiện toàn và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng-chống BLGĐ các cấp. Cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân BLGĐ. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, mục tiêu đạt hiệu quả trong công tác phòng-chống BLGĐ.
ĐINH YẾN