Chưa lọt "top 500": Thương hiệu Việt đứng ở đâu trên thế giới?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên thế giới, thương hiệu được coi là giá trị cốt tủy của doanh nghiệp, có thương hiệu trị giá 70% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, việc định giá thương hiệu của nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ, chưa phản ánh đúng giá trị của tài sản.
Đây cũng là một vấn đề nổi bật được đưa ra tại "Hội thảo: Định giá tài sản thương hiệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 4-12, tại Hà Nội.
 Ảnh chỉ mang tính mính họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh chỉ mang tính mính họa. (Nguồn: TTXVN)
Thương hiệu Việt còn... rất rất nhỏ
​Theo ông Đặng Xuân Mạnh, Tổng Giám đốc AVM Việt Nam, ​nhu cầu định giá thương hiệu ngày một tăng lên nhưng đa số còn mang tính tự phát, thậm chí các bên tự thỏa thuận để giao dịch.
Chính điều này đã dẫn đến những thua thiệt, trong đó nhiều công ty tiến hành cổ phần hóa ​đã mất đi lợi thế khi định giá các tài sản vô hình.
Dẫn chứng từ thương vụ cổ phần hóa Công ty Kem Tràng Tiền cách đây ​hơn ​15 năm, ông Minh cho rằng việc định giá thương hiệu tại thời điểm đó vẫn chưa được đánh giá một cách toàn diện.
​Theo đó, vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa công ty chỉ được định giá khoảng 3,2 tỷ đồng, một con số quá nhỏ so với khối tài sản mà công ty đang sở hữu, nhưng sau một thời gian dài thực hiện việc chuyển nhượng thì giá trị thương hiệu của công ty đã tăng lên cả trăm lần.
"Một phần nguyên nhân dẫn đến định giá thấp lợi thế kinh doanh là do nhiều doanh nghiệp nhà nước ban đầu làm ăn chưa có lãi nên thường bị định giá thấp và giá trị tương lai hầu như không được tính tới," ông Minh nói.
Theo thống kê của SP500, giá trị tài sản vô hình chiếm tới 73% giá trị doanh nghiệp và tài sản hữu hình chỉ chiếm 27% giá trị doanh nghiệp.
Chính vì vậy, khi nói đến giá trị thương hiệu, ông Samir Dixit, Giám đốc vùng châu Á-Thái Bình Dương (Công ty Brand Finance) đã nhấn mạnh nhiều hơn đến giá trị của tài sản vô hình và hữu hình, bởi ​trên thực tế, khi được đánh giá đúng ​sẽ ​giúp doanh nghiệp đem lại lợi nhuận cao hơn ​trong quá trình mua bán, sáp nhập.
​Đ​ưa ra đánh giá khách quan, chuyên gia này cho rằng, khi so sánh với các thương hiệu trên thế giới thì thương hiệu của Việt Nam còn rất rất nhỏ.
"Trong top 500 thương hiệu lớn nhất thế giới thì trong đó không có bất cứ một thương hiệu nào của Việt Nam và điều đó có thể hình dung thương hiệu Việt Nam đang ở đâu"-ông Samir Dixit cho hay.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội thảo Định giá tài sản thương hiệu.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội thảo Định giá tài sản thương hiệu.
Phải có chiến lược bài bản
Hiện nay, Việt Nam đang hình thành những thương hiệu nổi tiếng, nhiều thương hiệu đã chứng minh giá trị của mình trong việc chinh phục thị trường như Viettel, Vinamilk... nhưng cũng không ít doanh nghiệp còn mắc sai lầm khi xây dựng thương hiệu. 
Theo ông Samir Dixit, nhiều doanh nghiệp vẫn quá chú trọng vào việc marketing, thúc đẩy bán hàng chứ không quan tâm nhiều lắm đến thương hiệu. Hơn nữa, doanh nghiệp phải biết rõ giá trị thương hiệu của mình là bao nhiêu để từ đó giúp cho việc định giá sẽ làm tăng hay giảm giá trị thương hiệu đó. 
Điểm lại một số thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong 3 năm gần đây, theo chuyên gia này, khi so sánh với các thương vụ tương tự ở châu Á thì kết quả của các doanh nghiệp trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với thực tế.
Trong khi đó, các yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm như: tăng trưởng GDP, mức độ trẻ hóa của người tiêu dùng và ổn định của đồng nội tệ cũng như có thương vụ tốt về thương mại đều hội tụ đầy đủ.
Dù không đưa ra câu trả lời cụ thể, nhưng chuyên gia này cho rằng, khi định giá thương hiệu phải đảm bảo phương pháp đánh giá được công nhận trên toàn cầu, theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như đảm bảo tính khả thi và có hướng dẫn rõ ràng việc quản lý thương hiệu đó.
"Các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu của mình, xây dựng hình ảnh đó, từ việc làm quảng cáo, truyền thông và xây dựng các tình cảm thương hiệu," ông Samir Dixit nói thêm.
Còn theo bà Đặng Thúy Hà-Giám đốc bộ phần nghiên cứu hành vi người tiêu dùng - Neilsen Vietnam khu vực phía Bắc, khi chưa có thương hiệu thì người tiêu dùng trả giá rất thấp, ngược lại với sản phẩm có thương hiệu thì giá trị sẽ cao hơn rất nhiều lần.
Như vậy, mấu chốt chính là việc định vị thương hiệu và để làm được việc này doanh nghiệp cần phải quan tâm nhiều hơn đến ngành hàng của mình đang hoạt động nhằm đánh giá và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng trong lĩnh vực đó.
"Đầu tiên phải xác định sức mạnh của ngành hàng đó đi lên hay xuống, tiếp đến là các hoạt động kích hoạt thương hiệu đó và tầm nhìn của thương hiệu trong tương lai"-đại diện Neilsen Vietnam gợi ý thêm.
Đức Duy (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.