Sáng nay (29/5), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (ảnh Lê Hiếu).
Theo Tờ trình của Chủ tịch nước, Công ước số 98 về áp dụng nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thẻ là một trong 8 công ước cơ bản của ILO. Công ước đã dược Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1/7/1949. Tính đến tháng 1/2019, đã có 165 trên tổng số 187 quốc gia thành viên ILO tham gia Công ước này.
Công ước số 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
“Việc ra nhập Công ước 98 sẽ tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái với quy định của Hiến pháp; đảm bảo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi về những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày.
Sau phần Phó Chủ tịch nước trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Đánh giá tác động về chính trị, quốc phòng, an ninh khi ra nhập Công ước 98, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết:
Việc gia nhập Công ước số 98 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tăng cường quan hệ lao động hài hòa, tạo ra môi trường lao động ổn định, có thể dự báo và quản lý được các xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động, đình công. Bên cạnh đó, thương lượng tập thể hiệu quả giúp doanh nghiệp và Chính phủ đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời dựa trên những thông tin thường xuyên thu thập được thông qua quá trình thương lượng, giúp đảm bảo sự ổn định trong chính doanh nghiệp, từ đó góp phần bảo đảm sự ổn định của từng địa phương và cả đất nước.
Hệ thống thương lượng tập thể minh bạch, hiệu quả góp phần làm cho việc phân chia thu nhập công bằng hơn ở cấp độ xã hội.
Về tác động về kinh tế - xã hội, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác…
Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam.
Thương lượng tập thể cũng là phương tiện để người sử dụng lao động và tập thể lao động thảo luận với nhau về những biện pháp tăng năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Lương Kết (Dân Việt)