(GLO)- Sáng 5-1, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo huyện Chư Pah về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và tìm giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn huyện trong thời gian qua.
Nhiều vấn đề nổi cộm
Báo cáo với đoàn công tác của tỉnh, ông Đặng Công Lâm-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah cho biết: Kết thúc năm 2017, huyện Chư Pah đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,04%; có 14/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tổng giá trị sản xuất đạt trên 4.100 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 31,71 triệu đồng/người/năm; Chương trình tái canh cây cà phê đạt 281,5 ha; thành lập mới 18 doanh nghiệp nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện là 108 doanh nghiệp và 1.030 hộ kinh doanh cá thể; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các vấn đề an sinh trên địa bàn được giải quyết kịp thời; an ninh nông thôn được giữ vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Đ.Y |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết HĐND đề ra, như: chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu giảm trong năm 2017 là 2% nhưng mới đạt tỷ lệ 1,56%. Thu ngân sách Nhà nước giảm 19,97% so với năm 2016. Hiện toàn huyện có 42 điểm mỏ khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, trong đó có 7 điểm mỏ được UBND tỉnh cấp quyền khai thác. Năm 2017, huyện Chư Pah đã phối hợp với Cơ quan cảnh sát môi trường Công an tỉnh tổ chức 2 đợt kiểm tra tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Qua kiểm tra tại 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác và 34 điểm mỏ thường xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát trái phép tại các xã: Ia Nhin, Ia Phí, Hà Tây, Đak Tơ Ver, Ia Khươl, Ia Mơ Nông và thị trấn Phú Hòa… đã phát hiện 26 điểm mỏ có dấu hiệu khai thác trái phép, xử lý 24 điểm mỏ vi phạm khai thác cát, với tổng số tiền xử phạt trên 100 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước, cá biệt có trường hợp xử phạt 2 lần, như ông Nguyễn Xuân Huân-khai thác cát trái phép tại làng Kon Sơn Lăng (xã Hà Tây) vào tháng 8 và tháng 11-2017.
Chư Pah hiện là một trong 2 điểm nóng (sau Kbang) về vấn đề khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh. Nóng nhất là một số vụ khai thác, cất giấu gỗ trái phép xảy ra tại Tiểu khu 174 tại xã Hà Tây và vụ khai thác lâm sản trái phép tại Ban Quản lý Dự án 661 Tây Bắc Đak Đoa thuộc địa giới hành chính xã Đak Tơ Ver, hiện vẫn chưa giải quyết xong. Ông Nguyễn Nhĩ-Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh nhận định: “Nguyên nhân của tình trạng này là do huyện Chư Pah buông lỏng quản lý; vai trò kiểm lâm viên chưa làm hết trách nhiệm; chủ rừng và chính quyền địa phương chưa có giải pháp mạnh mẽ trong việc phối kết hợp với người dân để bảo vệ và giữ rừng”. Ông Đoàn Bảy-Bí thư Huyện ủy Chư Pah trăn trở: “Mặc dù, huyện đã có những giải pháp tích cực để giải quyết các vấn đề nhưng chưa được cương quyết. Còn để xảy ra tình trạng người dân ở một số xã tiếp tay cho lâm tặc vào rừng khai thác gỗ trái phép. Có cán bộ huyện còn “xúi” người dân xây dựng nhà ở, công trình trái phép để chờ đền bù trong phạm vi quy hoạch một số dự án, công trình như: Đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2, đường Hồ Chí Minh tuyến tránh đô thị Pleiku đoạn qua địa bàn. Cùng với đó, công tác phối hợp, xử lý các vụ việc phát sinh giữa các phòng, ban, đơn vị chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ”.
Phát huy sức mạnh để giải quyết mọi việc
Vấn đề đặt ra hiện nay ở huyện Chư Pah là cần tìm ra giải pháp căn cơ để giúp huyện giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Về vấn đề huyện Chư Pah để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép kéo dài, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Nhĩ, cho rằng: “Giải quyết tình trạng này, ngoài trách nhiệm của chủ rừng rất cần sự phối hợp đoàn kết của cả hệ thống chính trị cơ sở, nhất là phối hợp với người dân để bảo vệ và giữ rừng. Và tăng cường kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng vi phạm”.
Về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường nêu: Chư Pah nên khoanh định các điểm có khoáng sản chưa được cấp phép tại các xã, thị trấn và giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các xã, thị trấn quản lý, nếu xã, thị trấn nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn thì phải chịu trách nhiệm với huyện, tỉnh. Còn các ban, ngành, liên quan thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, truy quét những điểm khai thác trái phép. Nếu thấy cá nhân, đơn vị nào xử lý rồi mà vẫn còn vi phạm thì đề xuất mức xử lý cao hơn để răn đe.
Trao đổi về vấn đề giảm tỷ lệ hộ nghèo, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho rằng: Năm 2017, huyện Chư Pah đăng ký chỉ tiêu giảm nghèo thấp là 2% nhưng vẫn không đạt, năm 2018 tiếp tục đăng ký tỷ lệ giảm hộ nghèo cao hơn là 2,41%, liệu có thực hiện được không? “Vấn đề đặt ra là công tác giảm nghèo của địa phương chưa thật sự quyết liệt, nhất là phải xem xét lại trong việc rà soát các tiêu chí hộ nghèo đa chiều; tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các hộ nghèo vay vốn ưu đãi sản xuất để từng bước thoát nghèo bền vững”-bà Thanh nêu giải pháp.
Từ ý kiến của một số sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đánh giá: Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, huyện Chư Pah còn buông lỏng quản lý, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Cán bộ chưa làm hết trách nhiệm. Chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp để giải quyết tốt nhiệm vụ chuyên môn dẫn đến nhiều vấn đề, như: tình hình khai thác vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép xảy ra kéo dài mà chưa giải quyết triệt để. Việc triển khai đền bù giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thi công một số công trình, kéo theo ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Do vậy, các đơn vị phải xem xét lại vấn đề, mỗi ngành cần xác định trách nhiệm cụ thể để góp sức xây dựng huyện Chư Pah ngày càng phát triển. Chúng ta phải tìm ra căn nguyên của sự việc để giải quyết dứt điểm các vấn đề nổi cộm. Vì thế, từng ngành liên quan từ tỉnh đến huyện phải phối hợp cùng nhau, giải quyết rốt ráo mọi vấn đề thì công việc mới tránh ách tắc.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Chư Pah có nhiều lợi thế như thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, lại cách trung tâm TP. Pleiku không xa. Vì vậy, hai địa phương có thể kết nối khai thác thế mạnh, đơn cử như phát triển du lịch. Hơn nữa, trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pah phải có kế hoạch chi tiết, giải pháp phù hợp và quyết tâm thực hiện thì mới thành công.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Năm 2018, huyện Chư Pah tiếp tục thực hiện việc quản lý quy hoạch, xây dựng quy hoạch. Đẩy mạnh việc phát triển du lịch, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh giải quyết dứt điểm các vấn đề nổi cộm trên địa bàn ngay từ đầu năm. Thực hiện tốt cải cách hành chính. Phát huy bài học sức mạnh tổng hợp, sắp xếp lại bộ máy gắn với kinh tế tự chủ để nâng cao chất lượng ngày làm việc hiệu quả, “thà ít cán bộ mà tinh còn hơn nhiều cán bộ mà không làm được việc, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu chủ động tham mưu, giải quyết công việc được giao”…
Đinh Yến