Chồng đánh vợ và nỗi đau con trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có một nghịch lý là xã hội ngày càng văn minh nhưng vấn nạn đàn ông bạo hành phụ nữ, chồng bạo hành vợ lại trở nên nhức nhối, phổ biến. Tệ hại hơn nữa là sự việc diễn ra trước mắt những đứa trẻ.
Học gì từ ông bố bạo lực?
Mới đây, vụ chồng bạo hành vợ tại tỉnh Tây Ninh gây bức xúc trong dư luận. Clip ghi lại hình ảnh người chồng đánh vợ, đẩy xuống hồ bơi, dùng tay bóp cổ, ghì mạnh xuống nước nhiều lần. Khi người vợ leo lên bờ chạy thoát, người chồng tiếp tục chửi bới rồi đuổi theo đánh.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh người vợ bế con nhỏ bị người chồng là một võ sư tại Hà Nội hành hung dã man khiến người vợ phải nhập viện. Vào thời điểm đó, vụ bạo hành khác với một phụ nữ cũng được mọi người chia sẻ rộng rãi, lên án kịch liệt. Clip người chồng đánh vợ tới tấp trong khi vợ đang bế một đứa con nhỏ trên tay không có bất kỳ sự phòng vệ nào, chỉ biết chịu trận. 
Trong các vụ việc bạo hành phụ nữ, chồng đánh vợ trước sự chứng kiến của những đứa trẻ là một sự ám ảnh kinh khủng. Những đứa trẻ kia sẽ học được gì từ một ông bố như thế? Nhìn vấn đề ở góc độ tự nhiên, đứa trẻ có thể buồn, xót mẹ bị bố chửi bới và hành hung.
Nhưng hậu quả không dừng lại ở đó, những đứa trẻ sẽ lớn lên với suy nghĩ mặc định trong đầu rằng, đàn ông có thể bạo hành phụ nữ, bố được quyền đánh mẹ… Lớn lên, con gái có thể bị ám ảnh khi nghĩ đến chuyện lập gia đình; con trai có thể bạo lực và đánh những phụ nữ làm trái ý. Đó là hậu quả của việc chúng chứng kiến cảnh bố đánh mẹ lặp đi lặp lại.
Hãy để con trẻ được lớn lên trong hạnh phúc gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Hãy để con trẻ được lớn lên trong hạnh phúc gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trước đây, gần chỗ tôi ở, một thanh niên đánh vợ thương tích nặng phải nhập viện điều trị, mẹ vợ thấy con gái bị hành hung dã man nên tố cáo sự việc. Bị mời lên công an phường giải trình, thanh niên này cho biết, lúc đó vì quá nóng và không nghĩ sự việc lại trầm trọng như vậy; lúc nhỏ nhiều lần thấy cảnh cha “nóng” lên cũng đánh mẹ. Hay như cháu gái bạn tôi từng bị trầm cảm từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, 40 tuổi vẫn chưa muốn lấy chồng. Hỏi ra mới biết rằng, cô gái này bị ám ảnh bởi cảnh nhiều lần bố đánh mẹ. 
Chồng đánh vợ là bạo lực gia đình, không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu mà còn tác động tiêu cực đến những người xung quanh và gây rối loạn an ninh trật tự xã hội. Tai hại như thế nhưng tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Lên án thôi chưa đủ
Nghịch lý là xã hội ngày càng văn minh, vấn nạn đàn ông bạo hành phụ nữ lại trở nên nhức nhối và phổ biến. Điều này cho thấy, phụ nữ ở nước ta vẫn chưa được bảo vệ một cách đúng mức, lắm khi còn phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực. Không hiếm các vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương nơi nạn nhân đang cư trú chưa có sự can thiệp kịp thời.
Chúng ta có nhiều quy định được luật hóa nhằm bảo vệ an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ, nhưng những điều luật trên chưa đi vào cuộc sống một cách đồng bộ. Nhiều tổ chức được cho là có chức năng bảo vệ chống bạo hành phụ nữ nhưng còn mang tính hình thức, hoạt động chưa hiệu quả.
Chị N.T.T.H (26 tuổi, quê Đồng Tháp) từng chia sẻ trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ bỉm sữa: “Tôi hay bị chồng đánh, chẳng vì lý do gì cụ thể. Nhiều khi là con khóc quá lớn, con bị té ngã hay là cãi lại chồng khi anh ta to tiếng. Lắm khi, tôi ăn tát hay vài cú đá chỉ vì lườm nguýt anh ta. Tôi trầm cảm thực sự. Người thân khuyên tôi báo với chính quyền, với xã và cán bộ phụ nữ địa phương nhưng tôi xấu hổ quá. Sống ngần này tuổi mà không tự bảo vệ được mình, mang tiếng bị chồng bạo hành sao dám ra đường? Và đó là một sai lầm… Đến một ngày, tôi thấy ánh mắt sợ hãi của con gái mình khi thấy cha đánh mẹ, tôi quyết định báo chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Nay, tôi và anh ta chia tay hẳn, tôi nhẹ nhõm và vui mừng vì con mình không phải chứng kiến cảnh cha đánh mẹ”.
Nhiều phụ nữ Việt, nhất là ở nông thôn, không dám cho người xung quanh biết mình đang bị bạo hành, vì xấu hổ, vì sợ chồng hành hạ còn nhiều hơn. Không mấy ai chọn lựa như chị H., chí ít là vì những đứa con. Nhiều chuyên gia tâm lý nhận định, trẻ em trên danh nghĩa luôn được ưu tiên chăm sóc, dành cho những gì tốt đẹp nhất.
Bảo vệ trẻ em không chỉ thân thể mà còn về tinh thần, không gian sống tốt để phát triển theo hướng tích cực. Tối thiểu không để những đứa trẻ phải chứng kiến những vụ việc bạo lực. Những người chồng hành hung, chửi bới vợ, chính là tự vẽ ra những hành động xấu mang tư tưởng bạo lực đi vào tâm thức những đứa con của mình từ khi còn nhỏ. 
Điều tốt đẹp thường được hun đúc từ cá nhân rồi lan tỏa ở gia đình, cộng đồng, xã hội. Một tấm gương tốt làm nên nhân cách con người phải được bắt đầu từ việc đối xử tử tế với người thân, vợ con trong gia đình. Và làm cha mẹ, đừng bao giờ để con mình chứng kiến bạo lực trong gia đình, hậu quả từ việc đó là không thể đo lường được.
ĐỖ NGÔ TRẦN (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.