Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Lợi ích nhiều mặt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Với gần 100 tỷ đồng mỗi năm, nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thưởng-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh xung quanh vấn đề này.

* P.V:Ông có thể đánh giá tổng quát về kết quả triển khai chính sách chi trả DVMTR trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi Nghị định số 156/2008/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực?

 Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân ở xã Ia Tul (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Minh Nguyễn
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân ở xã Ia Tul (huyện Ia Pa). Ảnh: Minh Nguyễn


- Ông NGUYỄN XUÂN THƯỞNG: Nghị định số 156/2008/NĐ-CP đã tích hợp những quy định phù hợp về chính sách chi trả DVMTR. Đến nay, 59/59 chủ rừng là tổ chức nhà nước, UBND cấp xã đã hoàn thành việc mở 1.896 tài khoản ngân hàng để thực hiện chi trả cho người dân.

Bên cạnh đó, Quỹ cũng phối hợp các sở ngành, UBND các huyện tổ chức rà soát và tiến hành thu tiền DVMTR đối với 18 cơ sở công nghiệp có sử dụng DVMTR. Đồng thời, Quỹ đã tham mưu giúp UBND tỉnh quy định một số nội dung để tổ chức quản lý tiền DVMTR một cách hiệu quả, làm cơ sở cho các chủ rừng, tổ chức nhà nước, UBND cấp xã bố trí nhiệm vụ chi phù hợp, đúng quy định. Đồng thời, lồng ghép tiền DVMTR với ngân sách nhà nước, làm sao để đảm bảo việc chi trả cho người dân nhận khoán tối thiểu là 300.000 đồng/ha/năm, có nơi được 600.000 đồng/ha/năm (tùy lưu vực chi trả).

Đặc biệt, Quỹ còn đóng vai trò giám sát từ cơ chế cho đến tổ chức thực hiện, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo các chủ rừng sử dụng nguồn tiền đúng mục đích, nâng cao thu nhập cho người dân.

* P.V: Chính sách này đã tác động như thế nào đến môi trường cũng như kinh tế, thưa ông?

- Ông NGUYỄN XUÂN THƯỞNG: Trong năm 2019 và 2020, Quỹ huy động được nguồn thu DVMTR là 193 tỷ đồng và chi cho các bên cung ứng 178 tỷ đồng. Có thể khẳng định, nguồn thu này đã tác động tích cực đến việc giảm áp lực của ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đối với chủ rừng là tổ chức nhà nước, UBND cấp xã được bổ sung nguồn thu mới để bố trí các hoạt động thiết yếu cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đặc biệt, chính sách này còn giải quyết khó khăn về tài chính của 11 công ty lâm nghiệp khi Chính phủ cho dừng khai thác gỗ rừng theo quy định. Nhờ nguồn kinh phí này, tỉnh ta đã huy động được hơn 12.000 hộ dân sống gần rừng tham gia quản lý, bảo vệ rừng.

Người dân xã Kon Chiêng tham gia tuần tra bảo vệ diện tích rừng nhận khoán. Ảnh: Minh Nguyễn
Người dân xã Kon Chiêng tham gia tuần tra bảo vệ diện tích rừng nhận khoán. Ảnh: Minh Nguyễn


Bên cạnh đó, Quỹ còn triển khai nhiều hoạt động truyền thông, mục tiêu hướng đến là làm sao cho các cấp, các ngành, người dân sống gần rừng và kể cả các em học sinh nắm được chính sách chi trả DVMTR và công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, chú trọng nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp theo từng đối tượng: tuyên truyền qua báo, đài; tập huấn hoặc xây dựng các pa nô tuyên truyền đặt ở các trục giao thông để người dân nhận thức dần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Kết quả truyền thông cho thấy tác động tích cực, vừa giúp hộ gia đình, các em học sinh nhận thức đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa của chính sách để nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, vừa nắm bắt kịp thời các ý kiến từ cơ sở để thực hiện chính sách có hiệu quả hơn. Đồng thời, tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR ở địa phương. Bởi chính sách này đã tạo ra nguồn lực giúp hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng có thêm thu nhập trung bình 6 triệu đồng/năm. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm đến việc mở rộng diện tích rừng giao khoán, tăng thêm lực lượng tham gia bảo vệ rừng để người dân được hưởng lợi từ nguồn DVMTR.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

 MINH NGUYỄN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.