(GLO)- Ngày 3-7, Chính phủ tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6-2017 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Tại điểm cầu Gia Lai, tham dự có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: V.T |
Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,73% so với cùng kỳ năm 2016. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá cả có xu hướng ổn định. Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán diễn biến phù hợp với định hướng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 563,5 ngàn tỷ đồng (tăng 13,9% so cùng kỳ 2016), tổng chi cân đối ngân sách nhà nước đạt 582,9 ngàn tỷ đồng (tăng 8,3% so với cùng kỳ). Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 674,8 ngàn tỷ đồng (bằng 32,8% GDP, tăng 10,5%). Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm; trong đó lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất.
Về tình hình sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực như sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều yếu tố thuận lợi, tiếp tục duy trì đà phục hồi. Sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực. Lĩnh vực dịch vụ được đánh giá là khu vực năng động nhất, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, Việt Nam là 1 trong 12 nước dẫn đầu về tăng trưởng du lịch trên thế giới. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 1.924 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 10% so cùng kỳ). Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao hơn cùng kỳ là tín hiệu tích cực trong bối cảnh gia tăng bảo hộ thương mại của thị trường thế giới, nhất là thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu đạt 97,78 tỷ USD (tăng 18,9%). Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc và đạt kết quả ấn tượng...
Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, lao động việc làm, an sinh xã hội, y tế… được quan tâm chỉ đạo, thực hiện, đảm bảo phát triển đồng bộ với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chỉ số sức khỏe của nền kinh tế đang rất tốt, khi kết quả thực hiện nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực. “Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi tình hình chung của quốc tế và khu vực, nhưng công tác chỉ đạo điều hành đã có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả cao. Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tập thể lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ nông sản, gia súc, gia cầm còn khó khăn, giá cả sụt giảm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ. Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp rời thị trường tăng, chi phí sản xuất còn cao. Công tác giải ngân vốn đầu tư còn chậm, tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Tình hình ô nhiễm môi trường, nạn chặt phá rừng, khai thác khoáng sản… còn diễn ra phức tạp.
Nhiều giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng
Với dự kiến kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, các ngành đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành, lĩnh vực sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản; sản xuất công nghiệp; khu vực dịch vụ; mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Bên cạnh đó, huy động các nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%. Tuy nhiên, mục tiêu này là có cơ sở, có căn cứ, bởi các ngành, lĩnh vực chủ chốt đang phục hồi mạnh. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là ở các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước”.
Vũ Thảo