(GLO)- Nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi, với kiến trúc hầu như còn giữ nguyên từ thuở mới khai tự, chùa Bác Ái đơn sơ, mộc mạc, thanh bình giữa Phố núi Kon Tum. Sắc tự, chiếc phản gỗ, bức tượng Quan Âm,… vẫn còn nguyên như những vật báu đầy tự hào của ngôi chùa cổ nhất Tây Nguyên này.
Những năm 1931-1932, người dân từ miền xuôi di cư ồ ạt lên Tây Nguyên bởi nạn hạn hán, đói khổ triền miên. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, những người con miền xuôi vẫn không thể yên tâm làm lụng, ngày đêm nơm nớp lo sợ. Để yên lòng dân, Tổ đình Bác Ái tự lập nên.
Tích xưa kể…
Tổ đình Bác Ái được xây dựng năm 1932, là ngôi chùa đầu tiên của Tây Nguyên. Ảnh: Phương Linh |
Trò chuyện với chúng tôi, Hòa thượng Thích Chánh Quang-Trụ trì đời thứ tư Tổ đình Bác Ái bỗng trầm ngâm khi nhớ câu chuyện xưa truyền lại. Tương truyền, ngày chưa có chùa, xung quanh vùng chỉ toàn rừng rậm. Người dân từ xuôi lên khai hoang trồng trọt bị rắn rết, thú dữ rình rập, đêm đêm từ trong rừng sâu vẳng lại tiếng gầm gừ kinh hãi. Lúc bấy giờ, ông Võ Chuẩn đã thỉnh Hòa thượng Hoằng Thông-thủ tọa chùa Bạch Sa (Quy Nhơn) lên làm lễ cầu siêu và cung thỉnh khai tự Bác Ái. Ngôi chùa dựng lên trên nền rừng khai hoang, vách đất mành tre trở thành nơi thờ phụng đầu tiên của cả phật tử người Kinh và Thượng quanh vùng.
Từ ngày có chùa, cái âm thanh rùng rợn kia vơi bớt đi phần nào. Một hôm, trong rừng lững thững đi ra, hướng về phía ngôi chùa là một con hổ trắng ba chân vốn nổi tiếng hung dữ nên ai nhìn thấy cũng không khỏi hốt hoảng, lo lắng. “Thế nhưng, bước chân vào chùa, con hổ ấy bỗng trở nên hiền lành một cách lạ lùng. Nó đi vào bếp, nằm gác đầu lên chân và… ngủ. Đúng 5 giờ sáng hôm sau, con hổ đi vào chính điện nghe kinh Phật, sau lại lững thừng vào rừng. Cứ như thế suốt 8 năm liền (1932-1940), ngày nào hổ trắng cũng về nghe kinh Phật, sau rồi đi biệt, không nghe tung tích gì nữa”-vị trụ trì chùa Bác Ái thuật lại.
Phụ giúp dọn dẹp trong gian chính điện, bà Nguyễn Thị Kim (61 tuổi)-phật tử nhà chùa cũng góp chuyện. Vốn sống ở đây từ lâu nên bà Kim vẫn thường nghe mọi người truyền tai nhau về sự linh ứng của chùa Bác Ái. Bà chỉ tay về bàn thờ Quan Âm được đặt trong gốc cây to ngoài sân và nói: “Cách đây vài năm thôi, lúc chùa không còn lương thực, Hòa thượng Thích Chánh Quang đã tới bên bàn thờ và khấn, mong sao chùa có gạo để ăn. Thế mà hai ngày sau, có người chở mấy tạ gạo đến cúng dường cho chùa”. Không chỉ vậy, câu chuyện một phật tử dại dột “ôm trộm” tượng Phật của chùa đem vào Đồng Nai thờ nhưng làm ăn ngày càng lụn bại, sau phải đem tượng Phật trở về, làm lễ xá tội mới yên ổn cũng được các phật tử nhắc đến như tự dặn dò nhau giữ đức tâm trong sạch.
Cổ vật lưu giữ
Tổ đình Bác Ái vẫn giữ được lối kiến trúc chùa Huế. Ảnh: Phương Linh |
Năm 1933, sau khi Bác Ái tự hoàn thành, vua Bảo Đại đã đích thân từ Huế lên viếng chùa. Trong dịp đó, nhà vua đã ban sắc tự cho chùa. Đến nay, bảng hiệu 5 chữ “Sắc tứ Bác Ái tự” vẫn còn giữ nguyên màu vàng óng trên nền đỏ rực, trang trọng nằm ngay lối vào gian chính điện. Cũng trong lần ngự sắc ấy, vua Bảo Đại đã cúng dường cho chùa một bộ phản gỗ rất chắc chắn 6 người khiêng không xuể, hiện đang là nơi ngự thiền của Hòa thượng trụ trì. Bức tượng Quan Âm Bồ Tát làm bằng gốm men rạn có từ thế kỷ XVI được coi là vật báu lâu đời nhất được truyền giữ tại chùa cho tới bây giờ.
Không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, chùa Bác Ái còn có giá trị về lịch sử khi trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong sân chùa vẫn còn gốc cây cà chít làm dấu mốc nơi 7 sĩ quan quân đội Nhật Bản chặt đầu tự tử không chịu về nước khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh năm 1945. Năm 1968, Quân Giải phóng về náu trong chùa, đánh chiếm tòa hành chính Mỹ, bom đạn đã đánh sập ngõ tam quan cũng như làm hư hại tường vách và cả hình tượng “lưỡng long chầu nhật” rất đẹp trên nóc gian chính điện. “Đáng tiếc nhất chính là ngõ tam quan bị đạn bom đánh sập, phải làm lại nên không được như xưa”-sư trụ trì tiếc nuối. Đạn bom cũng phá hỏng chiếc chuông đồng cổ do Hoàng hậu Nam Phương đích thân trao tặng, phải thay thế bằng một chiếc khác. Tuy nhiên, lối kiến trúc mang dáng dấp những ngôi chùa Huế của Tổ đình Bác Ái được giữ hầu như nguyên vẹn. Qua nhiều lần trùng tu nhưng cũng chỉ thay phần vách đất bằng tường gạch kiên cố, trần lợp la phông.
Không to lớn, đồ sộ, Bác Ái tự nằm im lìm, thanh tịnh giữa không gian rợp bóng cây xanh cổ thụ. Mấy ai biết được đây từng là ngôi chùa thu hút hàng ngàn phật tử trong và ngoài tỉnh suốt từ những năm giữa thế kỷ XX. Giờ đây, khi khắp các tỉnh thành đã có nhiều ngôi chùa lớn mọc lên, lượng phật tử tìm đến Bác Ái tự cũng không còn như trước. Không còn nữa hình ảnh người người khắp nơi lũ lượt kéo về đứng chật cả khoảng sân chùa mỗi dịp cúng lễ. Song, những câu chuyên truyền miệng, lối kiến trúc cùng với những vết tích xưa như tấm sắc, tượng Quan Âm, những câu đối, bức hoành phi,… chùa Tổ đình Bác Ái vẫn giữ được dáng dấp cổ mặc, thanh bình, thoảng màu thời gian.
Phương Linh