(GLO)- Tiểu thuyết “Người trộm bóng” của nhà văn lãng mạn Pháp-Marc Levi từng gây ấn tượng khá đậm với câu chuyện về một cậu bé làm bạn với chiếc bóng của chính mình mỗi khi ánh trăng lên. Với cậu, niềm vui và ý nghĩa cuộc sống dần được cậu nhận ra qua những lời tâm sự, chuyện trò cùng chiếc bóng…
“Chiếc bóng” chỉ là một nhân vật giả tưởng để Marc Levi tạo nên bối cảnh cho sự thay đổi của một cậu bé vốn không được cuộc sống ưu ái, luôn nhút nhát, tự ti với tất thảy mọi người. Người bạn “chiếc bóng” đã giúp cậu tìm lại được chính mình và nhận thấy bao ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống, giúp cậu vượt qua tất cả thử thách để trở thành một bác sĩ nội trú và tìm được tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Trong thực tế, xung quanh chúng ta vẫn có rất nhiều “chiếc bóng” thú vị và ý nghĩa.
Duy Thịnh học thêm Guitar để theo đuổi đam mê âm nhạc. Ảnh: Lê Hòa |
Những “chiếc bóng” ngoài trang sách
31 tuổi, người chồng thân yêu bị cơn bạo bệnh cướp đi, chỉ còn chị gồng gánh nuôi 3 đứa con thơ. Ngoài thời gian dành cho những đứa con và công việc, chị gắn bó với những con tem để tạm quên đi chuyện buồn đã qua. Những con tem nhỏ bé khiến chị lao vào mày mò tìm hiểu, tra cứu, sưu tầm để có thể giải mã những giá trị bí ẩn của nó. “Chúng thôi thúc mình không ngừng tìm hiểu, cứ thế, mình bị những con tem lôi cuốn một cách say mê”-chị Nguyễn Thị Minh Luận-Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bưu điện-Chi nhánh Gia Lai chia sẻ.
Gần 10 năm làm bạn với những con tem, chị tìm thấy niềm vui và nụ cười của chính mình lấp lánh lên sau những mất mát. Bộ sưu tập tem của chị hiện đã lên đến cả ngàn con tem, thuộc gần 10 chủ đề khác nhau. Trong đó, bộ tem với chủ đề người phụ nữ Việt Nam mà chị rất tâm đắc và dày công sưu tầm đã giành được giải vàng tại triển lãm Tem toàn quốc năm 2010. Tiếp đó, bộ tem này (có bổ sung) cũng gây ấn tượng mạnh tại triển lãm Tem ở Thái Lan vào năm 2013. Giải đồng mạ bạc là phần thưởng dành cho công sức, tâm huyết và tình yêu của chị dành cho những con tem.
Hiện là một công chức nhà nước đều đặn đi-về 8 tiếng mỗi ngày, ít ai biết rằng, cô gái trẻ Ngân Khánh (tổ 3-phường Hội Phú-TP. Pleiku) từng chạm đến ước mơ du học để được thỏa sức trải nghiệm và khám phá năng lực bản thân. Thế nhưng, mọi thứ đều phải dừng lại khi cô quyết định nghe theo chữ “hiếu”. “Ba mẹ muốn mình ổn định trong môi trường nhà nước và làm việc ở gần nhà. Mình không muốn làm ba mẹ buồn nên đành gác lại dự định”-Ngân Khánh chia sẻ. Không ít người tiếc thay cho Ngân Khánh vì không phải ai cũng có cơ hội tốt như cô. “Nhiều phụ huynh vì biết khả năng ngoại ngữ của em đã tìm đến nhờ kèm cặp con em mình và hiện tại, ngoài công việc chính ở cơ quan, em còn là cô giáo dạy tiếng Anh của các em nhỏ trong xóm. Gắn bó với công việc này, em tìm thấy một niềm vui mới dù trước giờ, chưa bao giờ em nghĩ sẽ có ngày mình làm cô giáo”-Ngân Khánh chia sẻ.
Đam mê để vui sống
Hiếm thấy ai có niềm đam mê âm nhạc và yêu ca hát như Nguyễn Duy Thịnh (cựu học sinh lớp 12C3A-Trường THPT Chuyên Hùng Vương). Cậu trò này gắn bó với âm nhạc bất cứ lúc nào có thể: lúc ăn, lúc học, lúc chơi và ngay cả khi đi ngủ. “Với em âm nhạc là một phần của cuộc sống. Âm nhạc giúp em cảm thấy phấn chấn, thăng hoa hơn”-Thịnh chia sẻ. Vì thế, không khó hiểu khi cậu luôn là “gương mặt thân quen” của những chương trình văn nghệ của trường hay những nhóm du ca. 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, từng là học sinh nổi bật của lớp chuyên Toán ở trường điểm, đồng thời cũng là tay viết khá tốt trong Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ của Nhà Thiếu nhi tỉnh. Đi liền với những thành tích ấy là người bạn tinh thần âm nhạc đã cho cậu động lực và nguồn động viên to lớn. “Sắp tới, em lựa chọn theo đuổi ngành Kinh tế-Luật nhưng khi trở thành sinh viên, em sẽ cố gắng theo đuổi tiếp giấc mơ âm nhạc”-Thịnh chia sẻ về dự định trong tương lai.
Quay trở lại với câu chuyện của chị Minh Luận và Ngân Khánh, trước thử thách hay ngã rẽ của cuộc đời, họ đã không dừng lại. Họ tìm đến những “chiếc bóng” mới với một sự lạc quan để tìm thấy niềm vui và ý nghĩa cho cuộc đời. “Với mình, những con tem đem đến liều thuốc tinh thần, là nguồn vui và là động lực để mình vượt lên trên thử thách cuộc sống”-chị Minh Luận tâm sự. Còn với Ngân Khánh, mở lớp học này cô không đặt nặng vấn đề kinh tế, trò nào nhà hoàn cảnh khó khăn cô chỉ nhận một nửa học phí, bởi “em làm công việc này phần vì muốn giúp các em, phần cũng giúp cho mình rèn luyện khả năng ngoại ngữ để tránh bị mai một”-Ngân Khánh chia sẻ.
Có lẽ những câu chuyện trên chính là lý do để tự vấn: Chúng ta lựa chọn “chiếc bóng” nào để làm bạn đồng hành với những đam mê và khát vọng tuổi trẻ?
Lê Hòa