Võ thuật cổ truyền trên miền Tây Sơn thượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vùng đất An Khê từng là nơi Tây Sơn Tam kiệt chiêu binh luyện võ trước khi chinh Nam phạt Bắc, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lẫy lừng năm 1789. Có lẽ từ truyền thống đó mà từ trước đến nay, phong trào võ thuật cổ truyền ở vùng đất này luôn được duy trì và phát triển mạnh mẽ.
Võ thuật cổ truyền tại An Khê bắt nguồn từ các môn phái ở Bình Định vốn có sự kế thừa tinh hoa võ học thời Tây Sơn. Khi đến vùng đất An Khê lập nghiệp, một số võ sư Bình Định đã mang theo tinh hoa võ thuật của môn phái mình rồi lập nên các võ đường. Trải qua nhiều thăng trầm, võ cổ truyền ở An Khê tuy không còn thịnh hành như trước song hiện vẫn có 8 câu lạc bộ (CLB) đang duy trì hoạt động, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi. Nội dung huấn luyện chung của các CLB là các bài võ theo quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, gồm 10 bài quyền với mức độ từ cấp nhập môn đến cấp cao. Để giữ gìn và phát huy tinh hoa võ học Tây Sơn, các CLB đưa vào giảng dạy thêm những bài võ đặc trưng của các môn phái như: bạch long phủ, độc phủ, thiết linh chùy, bạch long quyền, độc lư thương… Đặc biệt, năm 2019, chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo chính thức được thành lập, tạo bước ngoặt lớn để phong trào võ thuật thị xã tiếp tục phát triển. Võ sinh Trần Mai Linh (CLB Hà Nhật Linh, xã Thành An) chia sẻ: “Học võ không chỉ giúp em rèn luyện sức khỏe mà còn rèn luyện tính cách như kiềm chế sự nóng nảy, học cách tôn sư trọng đạo”. 
Các võ sinh biểu diễn võ cổ truyền nhân Ngày Giỗ Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ. Ảnh: A.P
Các võ sinh biểu diễn võ cổ truyền nhân Ngày Giỗ Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ. Ảnh: A.P
Hiện nay, 8 CLB võ cổ truyền trên địa bàn thị xã An Khê thu hút khoảng 500 võ sinh tập luyện thường xuyên. Huấn luyện viên là các võ sư thuộc chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo và một số vận động viên xuất sắc trưởng thành từ các giải đấu cấp tỉnh. Nhiều năm qua, An Khê là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về thành tích thi đấu bộ môn võ cổ truyền. Năm 2019, tham gia Giải Vô địch trẻ toàn quốc môn Kickboxing tổ chức tại Gia Lai, chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo có 5 vận động viên đạt giải với 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng. Tại Giải Vô địch Kickboxing toàn quốc tổ chức tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), hội viên chi hội cũng đạt 2 huy chương đồng.

Võ sư Cao Đăng Khoa-Chi hội phó chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo: “Kế thừa truyền thống của cha ông, thế hệ trẻ chúng tôi sẽ phấn đấu đưa phong trào võ thuật cổ truyền phát triển lên tầm cao mới, làm rạng danh vùng đất vốn là nơi dựng nghiệp buổi đầu của 3 anh em nhà Tây Sơn”.

Học sinh Trường THCS Đề Thám (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) học võ cổ truyền tại trường. Ảnh: A.P
Học sinh Trường THCS Đề Thám (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) học võ cổ truyền tại trường. Ảnh: A.P
Trong quá trình phát triển, võ thuật cổ truyền ở An Khê đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, sân bãi tập luyện... Trước thực tế này, một số võ sư tâm huyết đã chọn ra các võ sinh có năng khiếu để thành lập đội “Lân-Sư-Rồng” biểu diễn khắp các địa phương trong và ngoài thị xã mỗi dịp lễ, Tết… để vừa có kinh phí hoạt động, vừa thu hút thêm võ sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã đưa võ cổ truyền thành một bộ môn tự chọn trong các trường học; ngành Văn hóa thường xuyên huy động 8 CLB tham gia biểu diễn võ thuật tại các lễ hội truyền thống; các cuộc thi thăng đai được tổ chức định kỳ... đã tạo điều kiện để võ thuật cổ truyền phát triển mạnh mẽ. 
AN PHÁT-PHƯƠNG THANH

Có thể bạn quan tâm

U70 đạp xe để vượt lên chính mình

U70 đạp xe để vượt lên chính mình

(GLO)- Đối với ông Hồ Sĩ Hồng (SN 1960, tổ 1, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) thì mỗi chuyến đi xa là một cơ hội để trải nghiệm, khám phá những cung đường mới, cũng là dịp để thử thách bản thân, quyết tâm vượt lên chính mình.