Cấp bách bảo vệ môi trường ở thác Mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dịp Tết Mậu Tuất, tôi có dịp lên thăm thác Mơ. Đây là một ngọn thác khá đẹp ở huyện Ia Grai, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 60 km. Từ đây đi theo tỉnh lộ 664, qua khỏi thị trấn Ia Kha, tiếp tục qua Công ty Cà phê Ia Blang (xã Ia Tô) rồi đến ngã 3 Ia Krai, theo con đường nhựa chạy giữa rừng điều và cao su thuộc xã Ia Khai rồi ngoặt lên hướng Tây, đi tiếp chừng vài cây số nữa vào làng Ếch giữa rừng cao su ngút ngàn là đến khu vực thác.

Xuôi theo con đường đất uốn lượn giữa những vườn điều đang mùa rụng quả tỏa hương thơm ngào ngạt, thác Mơ đón chúng tôi với tiếng nước vọng đều đều giữa không gian trong lành ngày đầu Xuân. Đây là ngọn thác đẹp hình thành do sự xâm thực địa chất của con suối nhánh thuộc dòng Pô Cô từ hàng vạn năm qua. Dòng suối phẳng lặng yên ả chảy về phía Tây là vậy, đến đây bỗng đột ngột mở rộng dòng rồi đổ nước xuống trên độ cao chừng 20 m, tung bọt trắng xóa, lại tiếp tục ào xuống bậc thác thứ 2 thấp hơn trước khi chảy vào hồ chứa bên dưới. Phía sau màn nước lại có một hành lang ăn sâu vào vách đá thôi thúc người khám phá. Dưới chân thác là những khối đá lớn xếp chồng lên nhau, chỗ này, chỗ kia, dường như thiên nhiên đã kiến tạo sẵn cho du khách nơi thưởng ngoạn một tuyệt tác kỳ thú.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Mặc dù mới được phát hiện nhưng dịp Tết năm nay du khách từ khắp nơi đã kịp đến thác Mơ khá đông. Một vài hộ có lẽ là người dân trong vùng đã dựng cọc, quây lại làm bãi giữ xe bên dưới tán điều. Hôm chúng tôi đến đây có khoảng hơn trăm du khách có mặt, phần lớn là các thanh-thiếu niên, học sinh. Người xắn quần lội suối chụp ảnh, người đứng trên các khối đá tạo dáng, nhóm khác thì lúi húi dựng trại bên dưới chân thác tạo một khung cảnh vui nhộn khó tả giữa vùng rừng núi giáp biên giới.

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đón khách du lịch đến tham quan, môi trường xung quanh thác Mơ đã bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng: bao bì ni lông, giấy lau vứt ngổn ngang trong vườn điều và dưới chân thác; vỏ lon bia, lon nước ngọt tấp kín 2 bên suối… Đó là chưa kể dòng suối phía trên cách thác chừng vài ba trăm mét cũng đã bị hẹp dòng, bập bềnh chìm nổi những vỏ lon, vỏ chai thuốc trừ sâu…

Môi trường và cảnh quan thác Mơ đang bị xâm hại là có nguyên nhân: khu vực này chưa có các dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch đối với nhu cầu sinh hoạt, vui chơi… do vậy hầu hết du khách khi đi đến đây đều theo kiểu tự phát và phải tự chuẩn bị thực phẩm, thức uống. Bên cạnh đó, không ít người do thiếu ý thức bảo vệ môi trường nên đã xả rác thải bừa bãi. Nhiều du khách “linh hoạt” sử dụng các loại vật liệu mang theo như ni lông, vải bạt để trú nắng mưa, sau đó vô tư vứt lại gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng có rất nhiều ghềnh thác đẹp và hùng vỹ, thác Mơ là một trong số đó. Hiện nay, một số thác nổi tiếng đã “hóa kiếp” để mang lại nguồn điện năng cho quốc gia. Do vậy, sự  hiện diện của các ngọn thác càng thêm có giá trị.

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng đoàn cán bộ của tỉnh, huyện đã về thị sát tận nơi và đã chỉ đạo chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn có kế hoạch tiếp tục khảo sát, nghiên cứu đầu tư, tôn tạo nhằm khai thác hoạt động du lịch tại thác Mơ một cách có hiệu quả, dài lâu. Tất nhiên, nếu muốn biến thác Mơ hoang sơ trở thành một điểm nhấn du lịch của cả khu vực thì phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, tất cả sẽ trở thành vô nghĩa nếu ngay từ bây giờ chúng ta không có những động thái tích cực nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên nơi đây.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Trải nghiệm trên đỉnh Langbiang

Trải nghiệm trên đỉnh Langbiang

(GLO)-

Được mệnh danh là thành phố du lịch, Đà Lạt là điểm đến hấp dẫn của khách trong và ngoài nước với nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Đặc biệt, đỉnh Langbiang là điểm trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua của du khách khi đến thành phố ngàn hoa.