Làng du lịch cộng đồng đầu tiên ở vùng biên giới Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng góp phần đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ, hình thành điểm tham quan đáp ứng các yêu cầu phục vụ du khách; thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.
Làng Đăk Răng, xã Đăk Dục (Ngọc Hồi, Kon Tum) là ngôi làng ở vùng biên giới đầu tiên của huyện Ngọc Hồi được công nhận là Làng du lịch cộng đồng. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Làng Đăk Răng, xã Đăk Dục (Ngọc Hồi, Kon Tum) là ngôi làng ở vùng biên giới đầu tiên của huyện Ngọc Hồi được công nhận là Làng du lịch cộng đồng. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Ngày 17/5, Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) tổ chức Lễ công bố Quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận Làng Du lịch Cộng đồng Đăk Răng (xã Đăk Dục) và Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc xã Đăk Dục năm 2024.

Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Đăk Dục nói riêng và huyện Ngọc Hồi nói chung.

Kết hợp cùng với Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Cột mốc ngã 3 biên giới giữa nước Việt Nam-Lào-Campuchia (cùng xã Pờ Y), Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng góp phần đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ, hình thành điểm tham quan đáp ứng các yêu cầu phục vụ du khách; thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Già làng Đăk Răng Blong Vẽ vui mừng cho biết người Gié-Triêng rất phấn khởi khi nơi mình sinh sống được chính quyền địa phương công nhận là Làng du lịch cộng đồng. Đây là cơ hội để đồng bào phát huy sức mạnh tập thể, đẩy mạnh những nét đẹp văn hóa dân tộc, cuộc sống đời thường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp tăng thêm thu nhập, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.

Phụ nữ dân tộc Gié-Triêng hát múa tại Làng Đăk Răng, xã Đăk Dục (Ngọc Hồi, Kon Tum). (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Phụ nữ dân tộc Gié-Triêng hát múa tại Làng Đăk Răng, xã Đăk Dục (Ngọc Hồi, Kon Tum). (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Đăk Răng là ngôi làng ở vùng biên giới đầu tiên của huyện Ngọc Hồi được công nhận là Làng du lịch cộng đồng. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng người Gié-Triêng với 110 hộ, 348 nhân khẩu. Tại đây còn là nơi lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của một ngôi làng người Gié-Triêng, cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống tạo nên điểm nhấn về du lịch.

Nhiều nhánh sông, suối chảy qua địa bàn làng Đăk Răng, gắn kết với địa hình đồi núi, rừng cây và diện tích canh tác nương, rẫy tạo nên cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hội tụ đầy đủ các yếu tố cảnh quan chung của vùng đất Tây Nguyên.

Đặc biệt, tại làng còn có Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Seang, sân bay Đăk Seang là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân huyện Ngọc Hồi những năm 1970-1975.

Bên cạnh đó, người dân làng Đăk Răng hiền lành, thân thiện và mến khách. Nơi đây còn có một đoàn nghệ nhân nổi tiếng thường xuyên tham gia các sự kiện văn hóa truyền thống trong và ngoài tỉnh.

Hiện người Gié-Triêng tại Đăk Răng còn giữ gìn được một số bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như: tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống; làm rượu cần; dệt thổ cẩm; chế tác các loại nhạc cụ; đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình; chế biến và sử dụng nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên hoặc người dân bản địa sản xuất.

Để phát triển du lịch hiệu quả, một số gia đình đã xây dựng mô hình homestay, tổ chức phục vụ, hướng dẫn du khách tham gia các hoạt động văn hóa tại làng.

Chính quyền xã Đăk Dục còn hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất, xây dựng mô hình du lịch, dịch vụ trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Địa phương tiếp tục tập trung khai thác các thế mạnh về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm; kiến nghị cấp trên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác du lịch.

Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví như “thiên đường” du lịch giữa biển khơi, nơi đây sở hữu cảnh sắc hoang sơ, những vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, bờ cát trắng mịn, bờ biển đẹp... Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Những ngày qua, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất tại TP.HCM có lẽ là "lễ diễu binh, diễu hành 30.4". Hình ảnh từng khối diễu binh khổ luyện và buổi hợp luyện đầu tiên lần lượt được chia sẻ khắp các nền tảng, khiến người người, nhà nhà càng thêm háo hức, cấp tập đi "săn" chỗ đón sự kiện lịch sử.

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

(GLO)- Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa chính thức ra mắt 3 video clip quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam. Trong đó, Gia Lai góp mặt với 2 đại diện là núi lửa Chư Đang Ya và thác K50.

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Phát huy lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế đêm của địa phương, UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum với quy mô 51 gian hàng trên khu đất rộng hơn 5.100m2 tại khu vực đường Bạch Đằng.