Tây nguyên đón mùa cà phê buồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng ngàn hộ nông dân trồng cà phê ở Tây nguyên đang khốn đốn khi giá cà phê giảm, lại mất mùa. Một cái tết kém vui với nông dân một nắng hai sương trên đồng đất của mình đang đến dần.
Nông dân Tây nguyên đón một niên vụ cà phê buồn ẢNH: TRẦN HIẾU
Nông dân Tây nguyên đón một niên vụ cà phê buồn ẢNH: TRẦN HIẾU
Năng suất giảm mạnh
Tây nguyên với trên dưới 500.000 héc ta cà phê, chiếm trên 95% diện tích cả nước. Vùng chuyên canh cà phê lớn nhất VN đang đối mặt với nhiều thách thức như cà phê già cỗi, giá giảm và mất mùa trong niên vụ này. Theo nhiều nông dân trồng cà phê, năng suất niên vụ này ở nhiều nơi có thể giảm đến 1/3. Trung bình mỗi héc ta cà phê có năng suất từ 3 - 4 tấn nhân/ha.
Ông Nguyễn Minh Đường, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu nông sản Tây nguyên, cho biết: “Năng suất cà phê có thể giảm đến hơn 20% do mưa kéo dài trong nhiều tháng liền. Khí hậu thay đổi đã ảnh hưởng đến năng suất cà phê. Ngoài ra, dự báo trong niên vụ này năng suất cà phê của Brazil sẽ cao mức kỷ lục. Vì vậy, giá sẽ khó tăng mạnh. Đây là sức ép không nhỏ đối với người trồng cà phê VN”.
Chị Nguyễn Thị Hồng ở H.Đăk Đoa (Gia Lai), một người trồng cà phê, nói: “Gia đình tôi trồng 2 héc ta cà phê, năm trước thu được hơn 6 tấn nhân. Năm nay mưa suốt nhiều tháng liền, cà phê chăm gì cũng không phát triển tốt, khó có thể đạt năng suất cao. Thêm nữa là một số bị chết do úng. Quả ít quá, năm nay may ra thì được hơn 4 tấn nhân”.
Tính trung bình, mỗi héc ta cà phê nông dân phải đầu tư khoảng 50 - 70 triệu đồng tiền phân bón, công chăm sóc. Nếu giá tốt sẽ có lời vài chục triệu đồng/ha. Với năng suất như niên vụ này, nhiều nông dân cho biết họ bị thất thu.
Thời điểm này, giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên dao động khoảng 34 - 35 triệu đồng/tấn. Cùng thời điểm này năm trước, giá cà phê lên đến suýt soát gần 40 triệu đồng/tấn. Cà phê mất mùa, giá giảm, thông tin này cùng với giá cao su, hồ tiêu giảm mạnh khiến nông dân trồng các loại cây này ở Tây nguyên thêm buồn.
Với người nông dân Tây nguyên, trăm thứ chi tiêu đều trông cả vào những thứ nông sản như cà phê, hồ tiêu… Song với tình hình ảm đạm này, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn.
Đỏ mắt tìm nhân công
Những ngày này cà phê bắt đầu chín. Việc thu hái cũng được tiến hành nhưng lại gặp tình trạng nguồn nhân công khan hiếm. Nhiều năm trước, nguồn lao động sức vóc ở các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… luôn sẵn có. Cứ đến mùa là có hàng chục ngàn lượt người lên các tỉnh Tây nguyên thu hái cà phê thuê. Vậy nhưng một hai năm trở lại đây, các khu công nghiệp ở các tỉnh này mở ra đã thu hút nguồn lao động tại chỗ, cộng với nhiều nguyên nhân khác khiến các chủ vườn đỏ mắt đi tìm nhân công hái cà phê.
Ông Đặng Văn Thân, một nông dân ở TP.Pleiku (Gia Lai), cho biết: “Nhà tôi có 4 héc ta cà phê. Mấy năm trước có người từ Bình Định lên hái với tiền công 800.000 - 850.000 đồng/tấn. Năm nay tiền công cao hơn, lên đến gần cả triệu đồng/tấn. Vậy nhưng cà phê chín ngoài vườn rồi mà gọi nhân công không ra. Vào các làng kiếm nhân công người bản địa cũng khó. Mùa này người ta cũng làm cho nhà của họ”.
Tính trung bình cứ mỗi héc ta cà phê phải cần đến 5 - 7 nhân công thu hái hơn một tuần. Và với 500.000 héc ta cà phê của Tây nguyên, quả là cần nguồn nhân công khổng lồ. Không chỉ có những hộ gia đình, các doanh nghiệp trồng cà phê cũng rất cần nguồn nhân công thu hái. Công ty TNHH 30 - 4 ở Gia Lai có trên 70 héc ta cà phê đang cần hơn 100 nhân công nhưng hiện vẫn chưa kiếm ra.
Đặc biệt, sau trận mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 8 vừa qua, nhiều vườn cà phê ở Tây nguyên đang chuẩn bị bung hoa. Nếu không thu hái kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản lượng niên vụ tới. Đây là bài toán không dễ tìm lời giải của hàng chục ngàn nông dân Tây nguyên trồng cà phê.
Trần Hiếu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.