Doanh nghiệp Gia Lai Hướng tới toàn cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Việc chuyển đổi từ nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường đã giúp doanh nghiệp có được thành quả như ngày hôm nay. Đây chính là một bước phát triển nhảy vọt và chắc rằng, sự phát triển này sẽ còn cao xa hơn nữa khi nền kinh tế của nước ta đang chuyển dịch đúng hướng”- nhiều chủ doanh nghiệp đã nhận định như thế khi nhìn lại quá trình 30 năm sau đổi mới.

Gian nan đổi mới

Mở đầu câu chuyện, ông Ngô Tấn Giác-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà (09 Nguyễn Thái Học, TP. Pleiku) tâm sự rằng, ông không nghĩ giờ này mình có thể sở hữu trong tay một “cơ ngơi” như vậy. Xưởng sản xuất cà phê bột Thu Hà Coffee rộng 2 ha vừa được đầu tư xây dựng trên 30 tỷ đồng, sản phẩm cà phê mang thương hiệu Thu Hà đã có mặt khắp các thị trường như: Mỹ, Đức, Pháp... Ông Giác kể: “Năm 1981, tôi bắt đầu tiếp nhận sự nghiệp kinh doanh cà phê từ gia đình. Thời điểm ấy, cà phê nước phải bán “chui” vì Nhà nước không cho phép. Do đó, những hộ bán cà phê như tôi chỉ cần thu được đồng nào hay đồng đó”.

 

Cửa hàng bán lẻ của Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên được xây dựng khá đẹp mắt và hiện đại. Ảnh: H.T
Cửa hàng bán lẻ của Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên được xây dựng khá đẹp mắt và hiện đại. Ảnh: H.T

Bước ngoặt lớn trong cuộc đời kinh doanh của ông Giác bắt đầu từ năm 1986 khi nền kinh tế được chuyển dần sang cơ chế thị trường. “Lúc ấy, tôi chỉ nghe có sự rục rịch thay đổi chứ cũng không hề biết kết nối gì với các chính sách đổi mới để khai thông cho doanh nghiệp. Hầu như tự mình mò mẫm vẫn là chính. Đến năm 1992, cơ sở chế biến cà phê của tôi mới được cấp giấy phép kinh doanh. Đây là cơ hội lớn hơn cho doanh nghiệp trong hành trình phát triển của mình”-ông Giác bày tỏ.

Không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn của thời kỳ chuyển đổi, doanh nghiệp nhà nước lúc bấy giờ cũng phải đối mặt với vô vàn thách thức. Ông Vũ Huy Trí-Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên, nhớ lại: Năm 1976, Công ty Vật tư Tổng hợp Gia Lai-Kon Tum (tiền thân của Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên) ra đời với nhiệm vụ đảm bảo vật tư kỹ thuật cho việc hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết đất nước. Thời điểm này, hoạt động của doanh nghiệp được bao cấp cả đầu vào lẫn đầu ra.

Bước sang năm 1986, Nhà nước xóa bao cấp, nền kinh tế cũng trở nên “dễ thở” hơn. Chính lúc ấy, doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng lao đao bởi sự cạnh tranh khốc liệt. Để tồn tại, Công ty bắt đầu định vị lại chiến lược kinh doanh của mình, phát huy thế mạnh vốn có. Theo đó, với 95% doanh thu từ xăng dầu, Công ty đã mạnh dạn chuyển sang kinh doanh hẳn loại mặt hàng này rồi bắt đầu tìm kiếm, mở rộng thị trường; đồng thời sắp xếp lại bộ máy, chăm lo xây dựng nguồn nhân lực, phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ và tái xuất xăng dầu sang thị trường Lào, Campuchia. “Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường vẫn mới chỉ là một phần, bởi lẽ xăng dầu ảnh hưởng khá lớn đến cán cân kinh tế của đất nước. Các công ty xăng dầu khi ấy vừa kinh doanh thường không có lãi vừa phải chịu áp lực vì luôn phải giữ ổn định thị trường. Mãi đến tháng 7-2014, ngành xăng dầu mới được chuyển toàn bộ sang cơ chế thị trường”-ông Trí nói.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông Phan Sỹ Bình cho hay, thời điểm trước đổi mới (1977-1986), cây cao su đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cây còn lạc hậu. Năm 1986, Công ty liên kết với Tổng cục Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), nhờ vào nguồn vốn của Liên Xô để trồng cao su. Theo ông Bình, suốt 10 năm được Nhà nước bao cấp, đời sống công nhân tương đối ổn định, nhưng khi có sự chuyển đổi, một bộ phận công nhân dao động tư tưởng, đòi nghỉ việc do mất đi các chế độ, quyền lợi hiện có. Có thời điểm số lượng công nhân nghỉ quá nửa. Việc thiếu lao động đã khiến vườn cây không được chăm sóc tốt, ảnh hưởng đến năng suất. Mặt khác, các yếu tố đầu vào (vật tư, phân bón, xăng dầu…) không còn được Nhà nước hỗ trợ giá nữa, thị trường cũng chẳng được bao tiêu mà đòi hỏi Công ty phải đôn đáo tìm kiếm và xây dựng.

Định hướng tương lai

Với quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”, cà phê Thu Hà đặc biệt đầu tư cho chất lượng. Với ông Giác, thương hiệu phải xuất phát từ cái tâm. Sản phẩm ngon thì tự khắc sẽ trở thành thương hiệu trong lòng khách hàng. Hiện nay, Thu Hà có tất cả 40 loại cà phê khác nhau, được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Trong đó, sản phẩm cà phê phin giấy tiện dụng được thị trường Đức cực kỳ ưa chuộng. Mới đây, ông vừa cho ra đời thêm loại cà phê hòa tan sữa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Tuy vậy, khi nói về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Giác lại khẳng định: “Hàng Việt phải phục vụ cho người Việt nên doanh nghiệp sẽ chú tâm “chơi trên sân nhà là chính”, trước tiên là giữ vị trí vững chắc ở các tỉnh, thành lớn trong cả nước. Để góp phần quảng bá thương hiệu của mình, hàng năm, chúng tôi tham gia 7-8 lần hội chợ hàng tiêu dùng và hội chợ nông nghiệp tại các địa phương; song hành với đó là không ngừng cải tiến về chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cà phê của mình trên cơ sở nắm bắt thị hiếu của từng đối tượng khách hàng”.

Còn với Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, theo chia sẻ của ông Bình, phải mất 10 năm kể từ thời điểm đổi mới, đơn vị mới thật sự ổn định và đứng vững trên thị trường. Diện tích cao su trong nước tăng nhanh từ 1.056 ha lên 6.500 ha và đến nay là 9.000 ha; diện tích cao su tại tỉnh Mundukiri (Campuchia) của Công ty đã đạt 5.000 ha; 40% sản lượng cao su được xuất khẩu trực tiếp sang các nước: Mỹ, Tây Ban Nha, Brazil, Trung Quốc… Nhờ vậy, trong điều kiện khó khăn chung của ngành cao su hiện nay, Công ty vẫn đảm bảo đời sống ổn định cho trên 3.000 công nhân với đầy đủ các chế độ, chính sách. Ông Bình cũng cho biết, mục tiêu trong những năm tiếp theo là đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường sao cho đến năm 2020, sản lượng cao su xuất khẩu chiếm trên 60%; ổn định diện tích trồng, tập trung đầu tư thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây và sản lượng mủ; duy trì tốt hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo đời sống công nhân, nhất là người dân tộc thiểu số tại địa phương...

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn đã không ngừng khẳng định hướng đi đúng đắn của mình. Tính đến thời điểm này, đơn vị đã mở rộng hệ thống phân phối gồm 70 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 97 doanh nghiệp nhượng quyền với 118 điểm bán lẻ, phân phối rộng khắp trên toàn địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum; đồng thời mở rộng thị trường sang 2 tỉnh Ratanakiri (Campuchia) và Attapeu (Lào). “Với cơ chế hấp dẫn người mua và tạo động lực cho người bán và tâm thế chủ động giành lấy thời cơ, chúng tôi sẽ phấn đấu đến năm 2020 tiếp tục khẳng định là Công ty hàng đầu về kinh doanh xăng dầu; thân thiện với môi trường và người tiêu dùng; thực hiện đa dạng mặt hàng và ngành nghề kinh doanh lấy xăng dầu làm trục chính; phát triển cả bề rộng và chiều sâu các kênh phân phối và phương thức bán hàng... Tất cả là “Để tiến xa hơn” như câu slogan của Công ty”-ông Trí nói.

Minh Nguyễn-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm