Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trả lời cử tri liên quan đến công tác trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Báo cáo số 1081/UBND-NC về việc trả lời và chỉ đạo giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo Kế hoạch giám sát số 166/KH-HĐND ngày 17-5-2022 của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai trả lời cử tri về kinh phí hỗ trợ trồng rừng đối với diện tích không đạt tiêu chuẩn nghiệm thu và nghiên cứu loài cây trồng rừng phù hợp.

Kiến nghị:

Vừa qua UBND tỉnh, các sở, ngành yêu cầu thu hồi lại kinh phí đã hỗ trợ trồng rừng trên diện tích bị chết không đảm bảo mật độ theo Thông tư 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30-10-2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (diện tích cây trồng đạt từ 85% mật độ thiết kế trở lên: Nghiệm thu và chi trả 100% diện tích; diện tích cây trồng đạt từ 50% đến 85% mật độ thiết kế: Nghiệm thu thanh toán theo tỷ lệ cây sống; diện tích cây trồng đạt dưới 50% mật độ thiết kế: Không nghiệm thu). Đây là một vấn đề rất khó khăn đối với bà con tham gia trồng rừng trên địa bàn huyện (đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đời sống rất khó khăn). Do đó, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở ngành khẩn trương nghiên cứu cây trồng rừng phù hợp để hướng dẫn cho huyện triển khai công tác trồng rừng năm 2021. Đồng thời, không thu hồi kinh phí trồng rừng đối với các hộ được vận động tham gia trồng rừng từ năm 2017-2020. (Cử tri huyện Chư Pưh).

Kết quả giải quyết:

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh tại Báo cáo số 27/BC-HĐND ngày 6-12-2021; ngày 6-12-2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp cùng UBND huyện Chư Pưh, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn làm việc thống nhất một số nội dung liên quan đến diện tích rừng trồng được hỗ trợ bị chết trên địa bàn huyện Chư Pưh. Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh tại Văn bản số 4721/SNNPTNT-CCKL ngày 7-12-2022 về việc báo cáo bổ sung nội dung liên quan tới kiến nghị của cử tri huyện Chư Pưh. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung như sau:

1. Về đề xuất không thu hồi tiền hỗ trợ trồng rừng đối với diện tích rừng không đạt tiêu chuẩn nghiệm thu:

- Theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông-lâm nghiệp: “...Chủ rừng đã nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước để trồng rừng, nếu sau 5 năm mà rừng không đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước thì chủ rừng phải tự bỏ vốn để trồng lại rừng hoặc phải hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước số tiền đã nhận hỗ trợ cộng với lãi suất thương mại tại thời điểm thu hồi. Trường hợp mất rừng do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, sâu bệnh không phải hoàn trả số tiền đã nhận hỗ trợ”.

- Đề nghị UBND huyện Chư Pưh rà soát lại toàn bộ diện tích không đạt tiêu chuẩn nghiệm thu đối với diện tích rừng đã trồng các năm 2017, 2018, 2019, 2020; xác định nguyên nhân cụ thể đối với diện tích rừng trồng không đạt.

+ Đối với diện tích rừng trồng không đạt do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, sâu bệnh không phải hoàn trả số tiền đã nhận hỗ trợ.

+ Đối với diện tích rừng trồng không đạt do nguyên nhân thổ nhưỡng không phù hợp và đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chính phủ có chính sách không thu hồi số tiền đã hỗ trợ.

+ Đối với diện tích rừng trồng không đạt do không chăm sóc, bảo vệ, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng, UBND xã hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các hộ dân trồng lại rừng, phục hồi rừng đảm bảo tiêu chuẩn nghiệm thu theo quy định. Trường hợp không trồng lại rừng thì thực hiện thu hồi số tiền hỗ trợ theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay Sở Nông nghiệp và PTNT chưa nhận được hồ sơ diện tích rừng trồng không đạt do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, sâu bệnh, thổ nhưỡng không phù hợp và diện tích rừng trồng không đạt của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chính phủ có chính sách không thu hồi số tiền đã hỗ trợ.

Gia Lai phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 100% diện tích rừng có chủ quản lý. Ảnh: Minh Nguyễn
Gia Lai phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 100% diện tích rừng có chủ quản lý. Ảnh: Minh Nguyễn

2. Về nghiên cứu loài cây trồng rừng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương:

- Sở Nông nghiệp và PTNT đã trao đổi, thống nhất với đề xuất của UBND huyện Chư Pưh về việc huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới, nghiên cứu, đề xuất loài cây trồng, giống cây trồng rừng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để áp dụng trồng rừng, phát triển rừng trên địa bàn.

- Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới hỗ trợ UBND huyện Chư Pưh tổ chức tập huấn, chuyển giao các loài cây trồng rừng phù hợp, quy trình trồng, chăm sóc rừng cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện và áp dụng thực hiện trồng rừng đạt hiệu quả.

- Trên địa bàn huyện Chư Pưh hiện nay có nhiều mô hình trồng rừng, nông lâm kết hợp, khoanh nuôi rừng giống các cây bản địa quý để người dân trồng rừng rất hiệu quả. Đề nghị UBND huyện Chư Pưh tổ chức những buổi tham quan thực tế để nhân rộng các mô hình trồng rừng đã có hiệu quả trên địa bàn huyện. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của công tác trồng rừng, về vai trò, tác dụng, lợi ích to lớn, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây, trồng rừng để người dân hiểu và hưởng ứng tham gia và tăng cường công tác khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật trồng mới, trồng dặm lại diện tích không đạt tiêu chuẩn và chăm sóc rừng trồng theo đúng kỹ thuật.

GLO

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.