Nhân lên niềm vui

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tập đoàn Vingroup công bố ra mắt Quỹ VinFuture để tổ chức Giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng và là một trong những giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất thế giới với nhiều triệu đô la. 
Người sáng lập Giải thưởng VinFuture là ông Phạm Nhật Vượng-Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và vợ là bà Phạm Thu Hương. Giải có sứ mệnh “tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên trái đất bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ” nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu như: nâng cao sức khỏe và chất lượng sống, xóa nghèo, chấm dứt nạn đói, tạo cơ hội cho mọi người được hưởng thụ nền giáo dục tiến bộ, nước sạch, năng lượng tái tạo, bình đẳng, công bằng, sản xuất và thương mại có trách nhiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Giải thưởng mang tầm cỡ quốc tế do một doanh nhân Việt Nam khởi xướng và thành lập khiến chúng ta ai nấy đều xúc động tự hào. Tự hào Việt Nam có những người mà trí tuệ, tâm hồn, tình cảm và trách nhiệm vươn xa biên giới của một quốc gia. Chẳng riêng chúng ta mà thế giới cũng bất ngờ, ngưỡng mộ, hàm ơn, cảm phục. Chẳng phải Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ), đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture đã nói: “Sứ mệnh của giải thưởng đã chạm tới trái tim của nhiều người. Đã có nhiều ứng viên từ các đại lục khác nhau”?
Không kể lúc này, khi giới khoa học và ngành chức năng xem Covid-19 là bệnh lưu hành hay đặc hữu, ngay trong những ngày đen tối nhất của đại dịch, dù run sợ nhưng thế giới không bị khuất phục mà luôn giữ vững tinh thần, tự tin, lạc quan, tìm ra vắc xin để ngăn chặn. Và chúng ta đã biết, chỉ trong thời gian ngắn, các loại vắc xin phòng-chống Covid-19 lần lượt ra đời và có mặt tại Việt Nam góp phần khống chế, đẩy lùi vi rút SARS-CoV-2 như: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Moderna, Johnson & Johnson… Xứng đáng với 2 chữ viết hoa “CON NGƯỜI”, không chỉ có công lao của các nhà khoa học, các chuyên gia, biết bao nhiêu câu chuyện đẹp, xúc động đã xuất hiện chính trong những thời điểm đen tối nhất nơi tuyến đầu chống dịch, giúp đỡ người xấu số, ủng hộ người bị ảnh hưởng...
Giờ đây xem lại chương trình truyền hình Sóng 22, người viết vẫn chưa hết xúc động và thích thú, thấy mình trẻ ra. Một chương trình dành cho người trẻ nhưng ý nghĩa thời sự, lan tỏa cảm hứng sống đẹp thật kỳ diệu. Chương trình giới thiệu mấy gương mặt ca sĩ, nhạc sĩ trẻ có những đóng góp nổi bật không chỉ trên mạng xã hội. Đó là ca khúc “Rồi tới luôn” mà chỉ mấy ngày phát hành đã đạt gần 4 triệu view. Hồ Phi Nal, anh chàng ca sĩ sinh năm 1997 đến từ Đồng Tháp, tác giả ca khúc nói: “Trong thời điểm có nhiều chuyện buồn vì dịch bệnh như hiện tại, khi công bố phiên bản rộn ràng này (cuối tháng 7-2021-P.V), với tôi đó là một nước đi liều lĩnh vì hiện tại nhiều anh chị ca sĩ không ra nhạc vui, mà thường khá tâm trạng. Đây cũng là bài hát sôi động đầu tiên của tôi”. Với tác giả “Yêu là cưới” của Sinike do Phát Hồ thể hiện, giai điệu rộn ràng, dân dã, vui nhộn. “Túp lều vàng” (Nguyễn Đình Vũ và ACV) kể về chàng trai thưa chuyện với ba mẹ của cô gái để được kết duyên. Đôi trai gái không cần những thứ cao sang, chỉ cần nhiều con, nhiều cháu là hạnh phúc... Giới chuyên môn phân tích do mùa cưới 2021 quá đặc biệt: không ít đám đã không thể diễn ra mà phải chờ hoặc đơn giản hóa, thậm chí tổ chức online. Những đám cưới bình thường đã thành ước mơ và chỉ có thể diễn ra khi dịch bệnh được kiểm soát.
Vấn đề lớn lao, ý nghĩa sâu rộng truyền cho chúng ta nguồn năng lượng, niềm hứng khởi, động lực sống dồi dào và lâu bền. Tuy nhiên, ngay cả những việc nho nhỏ, những câu chuyện thường ngày giản dị, gần gũi cũng rất quý giá với mỗi người. Bà Năm ở xóm tôi hàng ngày cặm cụi chăm chút giàn bầu bí bên hông nhà. Nhỏ thôi nhưng giàn lúc nào cũng xanh tốt hoa trái, khi thì su su, khi thì bầu, bí, mướp, khổ qua... Thấy tôi qua lại, bà Năm cười nói: “Trồng đó cho vui, ai cần thì hái nấu ăn, mình tôi ăn sao hết”. Cứ gì mưu cầu cho riêng mình, vô tư với việc và với người là triết lý và hành xử của bà Năm. Vận động không để tay chân thừa thãi và tinh thần vô tư chắc chắn đã mang lại cho cụ già tuổi 70 sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh và niềm vui mỗi ngày.
Để duy trì năng lượng, niềm vui sống có nhiều cách nhưng quan trọng nhất, chủ động phải do chính ta. Tích tiểu thành đại, nghe một bản nhạc yêu thích, đọc một quyển sách hay, hài lòng với không gian sống được sắp xếp lại... đều có thể mang đến cho chúng ta sự xúc động, cảm giác hài lòng, thỏa mãn, hơn thế là hạnh phúc. Vẫn phải nhắc lại, bắt đầu và sẵn sàng để có được nguồn năng lượng tích cực, niềm vui sống mỗi ngày vẫn là chính ta, chứ không phải trông chờ vào ai hay yếu tố nào khác.
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.