Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên nâng cao chất lượng cảnh báo thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Tây Nguyên có nhiệm vụ cung cấp sớm nhất các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV và các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm trên địa bàn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, những năm qua, đơn vị không ngừng đầu tư trang-thiết bị nhằm dự báo, cảnh báo KTTV, môi trường kịp thời, chính xác, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. 
Hiện đại hóa thiết bị dự báo
Ông Lê Văn Hưng-Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Nguyên-cho biết: “Đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai với nhiệm vụ quan trắc, điều tra, khảo sát KTTV, môi trường, định vị giông, sét, dự báo, cảnh báo KTTV trong khu vực Tây Nguyên. Những năm gần đây, đơn vị được Nhà nước đầu tư hoàn thiện trang-thiết bị, máy móc hiện đại nhằm phát hiện sớm các hiện tượng thời tiết xấu, nguy hiểm như: bão, lũ lụt và công tác vận hành liên hồ chứa thủy điện, thủy lợi, cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo đến lãnh đạo tỉnh và các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 5 tỉnh Tây Nguyên để chủ động ứng phó, quyết định vấn đề tích nước, xả lũ chống ngập lụt… Việc đầu tư trang-thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong dự báo, cảnh báo, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra”.
Cán bộ Trạm rađar thời tiết Pleiku túc trực 24/24 giờ để phát hiện cảnh báo giông, lốc, sét. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cán bộ Trạm rađar thời tiết Pleiku túc trực 24/24 giờ để phát hiện, cảnh báo giông, lốc, sét. Ảnh: Nguyễn Diệp
Công trình Trạm radar thời tiết Pleiku được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ cuối năm 2019. Trạm hoạt động 24/24 giờ trong ngày, quét qua bán kính trên 300 km. Khi phát hiện khu vực thời tiết các tỉnh có hiện tượng giông, sét, mưa lớn thì Trạm truyền dữ liệu trực tiếp đến Tổng cục KTTV và Đài KTTV khu vực Tây Nguyên để ra bản tin cảnh báo đến các tỉnh trong khu vực. Từ khi đi vào hoạt động, hệ thống radar cảnh báo này phát huy hiệu quả trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cho các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận như: Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên…
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 4 trạm khí tượng tại TP. Pleiku, huyện Chư Păh, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa cùng với 43 trạm đo mưa tự động phủ kín 17 huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống này đảm bảo đo lượng mưa tương đối chính xác ở từng địa phương, khu vực để cảnh báo sớm cho chính quyền và người dân chủ động trong sản xuất nông-lâm nghiệp và phòng-chống thiên tai.
Hiệu quả từ hệ thống thủy văn
Cùng với công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm, việc dự báo thủy văn trên hệ thống sông suối, trong đó có sông Sê San và sông Ba được Đài KTTV khu vực Tây Nguyên đặc biệt quan tâm. Đơn vị đã ứng dụng những mô hình dự báo hiện đại thông qua 3 hệ thống thủy văn đặt tại thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và huyện Mang Yang.
Đặc biệt, phương án dự báo thủy văn ở những lưu vực có hồ chứa thủy điện, thủy lợi để cảnh báo lưu lượng nước về hồ trong điều kiện có áp thấp nhiệt đới, bão lũ và khô hạn để các chủ hồ đập chủ động vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được đơn vị thực hiện đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Minh Trưởng trạm Ra đa thời tiết Pleiku theo dõi diễn biến thời tiết từ tháp Ra đa cung cấp
Ông Nguyễn Văn Minh-Trạm trưởng Trạm radar thời tiết Pleiku theo dõi diễn biến thời tiết từ tháp radar cung cấp. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Hoàng Bình Yên-Trưởng phòng Quản lý nước (Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Gia Lai) cho biết: “Những năm qua, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Đài KTTV khu vực Tây Nguyên trong công tác dự báo, cảnh báo về lượng mưa, khu vực mưa để có tính toán cụ thể lưu lượng nước về hồ, từ đó có phương án tích trữ nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong những đợt mưa lũ lớn, Công ty và Đài phối hợp rất chặt chẽ trong công tác vận hành liên hồ chứa nhằm cắt giảm lũ ở vùng hạ du đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất xảy ra tình trạng lũ chồng lũ gây thiệt hại cho người dân”.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Phòng-chống thiên tai (Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) cho biết: “Những năm gần đây, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được Đài KTTV khu vực Tây Nguyên thực hiện kịp thời và tương đối chính xác. Đặc biệt, những bản tin trong mùa mưa bão, lũ lụt được cập nhật liên tục cho Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Thời gian tới, mối quan hệ này cần tiếp tục được củng cố nhằm có những bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết kịp thời, chính xác để địa phương chủ động triển khai ứng phó thiên tai”.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.